Cậu bé mồ côi trở thành nhà khoa học nổi tiếng thế giới

Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 90 năm phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1931-2021); CLB “Trái tim người lính” giới thiệu một tấm gương về học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh: Nhà khoa học Võ Sở Vọng và tác phẩm hồi ký bằng thơ “Lục bát cuộc đời” (Nhà xuất bản Thanh niên, 2021).

Đây là một tập hồi ký độc đáo, được thể hiện bằng 4952 câu lục bát - một thể loại đã từ lâu được mặc nhiên xem như “Quốc thi” của Việt Nam. Nhưng giá trị của tác phẩm này không phải ở chuyện văn chương nghệ thuật, mà chính là cuộc đời tác giả: Ông là con trai của một trong những nhà lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh: cụ Võ Hợp (1894 - 1956).

PTừ một vùng quê nghèo Đức Thọ (Hà Tĩnh), mồ côi cha từ nhỏ, cậu học sinh Võ Sở Vọng, bằng sự thông minh và nghị lực phi thường, đã phấn đấu trở thành một Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý có tên tuổi trên thế giới (với hơn 60 công trình được công bố chủ yếu ở nước ngoài). Ông sử dụng thành thạo tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Nga. Năm 2002, Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Cambridge tại Vương quốc Anh đã vinh danh ông là một trong 2.000 nhà khoa học xuất sắc nhất của thế kỷ 20!

Cậu bé mồ côi trở thành nhà khoa học nổi tiếng thế giới

GS.TS Võ Sở Vọng (trái) và nhà thơ Đặng Vương Hưng

Võ Sở Vọng được sinh ra ngay ngày cha bị thực dân Pháp đày đi Buôn Ma Thuột lần thứ hai. Mới 13 tuổi đã mồ côi cha. Là con trai út trong gia đình 5 chị em, những cú sốc đầu đời đã rèn luyện cho cậu bé sở hữu “10 hoa tay tròn trịa” có tính tự lập cao. Cậu đã tự lo liệu chuyện học hành từ nhỏ, tự thi lên cấp II trong một cuộc cạnh tranh quyết liệt: mấy trăm học sinh lớp 4 của 6 xã vùng Thượng Đức chỉ chọn 50 vào học lớp 5!

Ngay từ những năm học cấp 2, khi tình cờ thấy một số tác phẩm của nhóm “Tự lực Văn đoàn” bạn bè cho mượn, Võ Sở Vọng đã say mê đọc sách suốt đêm và mơ ước trở thành nhà văn. Ngày ấy cậu đã viết một tập bản thảo “Tự truyện” dài mấy trăm trang giấy! Một lần, được anh trai đưa ra Hà Nội khám bệnh ở phòng khám tư, thấy ông “Đốc-tơ” được mọi người trân trọng và oai lắm, cậu bé lại mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ. Nhưng có lẽ “cú hích” quan trọng nhất với Võ Sở Vọng là năm cuối cấp, trường cấp III Phan Đình Phùng được đón nhà khoa học hạt nhân Nguyễn Đình Tứ, bấy giờ đang làm việc tại Viện liên hợp Nghiên cứu hạt nhân Dubna đến thăm. Thần tượng Nguyễn Đình Tứ đã khiến cậu học trò vùng quê nghèo quyết tâm học các môn toán lý thật giỏi để phấn đấu được như thế.

Và ngày ấy, không ai ngờ được là mấy chục năm sau, Võ Sở Vọng còn làm được nhiều hơn cả những gì mà cậu mơ ước: Trong suốt cuộc đời làm khoa học của mình, ông đã chủ trì thành công 5 đề tài nhiên cứu cấp Nhà nước về khoa học cơ bản. Ông đã công bố trên 60 công trình nghiên cứu (chú yếu ở nước ngoài); Đặc biệt trong đó công trình nghiên cứu cấu trúc thực của đơn thể Calomel Hg2Cl2 là một đóng góp thiết thực và hiệu quả cho khoa học và công nghệ vật liệu thế giới. Võ Sở Vọng đã được học tập, đọc bài giảng chuyên đề và làm việc ở nhiều trường ĐH, phòng thí nghiệm lớn ở các nước như Đức, Nga, Italya, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Và không phải ngẫu nhiên mà năm 2000, Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Cambridge, Vương quốc Anh đã vinh danh ông là một trong 2.000 nhà khoa học xuất sắc của thế kỷ 20!

Có thể nói “Lục bát cuộc đời” đã ghi lại tương đối đầy đủ “đường đi, nước bước” của một người làm khoa học, từ lúc chào đời tại một làng quê hẻo lánh trong hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt cho đến ngày rời phòng thí nghiệm. Cuộc đời đó không bằng phẳng như nhiều người nghĩ, mà trải qua “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”. Theo phong cách khoa học, người viết muốn “có đầu có đuôi”, “nói có sách, mách có chứng”...

Để giới thiệu chính xác, trung thực những công việc cụ thể của một người làm thực nghiệm trong nghiên cứu vật liệu khoa học (scientific materials), “Lục bát cuộc đời” sử dụng nhiều từ chuyên môn, một số kiến thức khoa học chuyên sâu... Tuy người viết đã cố gắng giải thích nhưng chắc chắn không thể làm thỏa mãn được nhiều bạn đọc không cùng chuyên ngành. Đặc biệt người “ngoại đạo”, không tránh khỏi những “phản ứng tự nhiên” khi gặp một từ, một khái niệm xa lạ!

Cậu bé mồ côi trở thành nhà khoa học nổi tiếng thế giới
Cuốn sách là 4952 câu thơ lục bát của một người làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên viết về nghề nghiệp của mình trong một giai đoạn khá đặc biệt của lịch sử dân tộc

Đánh giá về “Lục bát cuộc đời”, GS.TSKH Đào Khắc An, một đồng nghiệp đã làm việc cùng tác giả trên 30 năm đã viết: “Tác phẩm này không những để lại cho tác giả các kỷ niệm vui buồn trong cuộc đời, mà còn để lại cho các nhà làm chuyên môn khoa học công nghệ xem xét suy ngẫm rút ra các bài học bổ ích trong cuộc sống, cũng để lại cho các nhà quản lý, lãnh đạo suy nghĩ xem xét, rút ra các bài học về định hướng nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ cho đất nước sao cho thích hợp, biết chọn đúng những người tài, sử dụng, động viên khuyến khích họ mang hết sức mình phục vụ cho tổ quốc đất nước”.

GS.TS Võ Sở Vọng chia sẻ: “Cuốn sách là 4952 câu thơ lục bát của một người làm việc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên viết về nghề nghiệp của mình trong một giai đoạn khá đặc biệt của lịch sử dân tộc, để những người “ngoại đạo” biết về nghiệp của những người làm khoa học.

Đây là lần đầu tiên tôi cố gắng hoàn thiện một công trình trong lĩnh vực tôi không có một chút kinh nghiệm. Tôi “liều lĩnh” nhảy vào một công việc mà nói như GS Văn học Nguyễn Thái Hòa - thầy dạy Văn đồng thời chủ nhiệm lớp tôi năm 1960 là “Cậu đã làm một việc mà từ cổ chí kim chưa thấy trong Văn học: Viết hồi ký bằng thơ lục bát”!”

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.