Tuyển sinh 2021: Vẫn đổ xô kinh tế, có mất cân đối ngành nghề?

Ngày 16-5 đã chính thức hết hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trên toàn quốc theoo cả hai hình thức. Dù tổng nguyện vọng đã vượt 7 lần chỉ tiêu, nhưng bài toán ngành nghề vẫn như mọi năm, khi kinh tế vẫn được “đổ xô” còn ngành khát nhân lực vẫn ít ỏi nguyện vọng.

Tổng nguyện vọng gấp 7 lần chỉ tiêu

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm ngành Giáo dục mầm non trên hệ thống là 3,8 triệu.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học năm nay là trên 545 nghìn. Như vậy, tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu là 682,05%, nghĩa là số nguyện vọng đăng ký gấp 6,8 lần chỉ tiêu.

Nhóm ngành kinh doanh và quản lý có tới 1.218.773 nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu chỉ có 118.679. Đây là nhóm ngành có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH nhất năm 2021. Nhóm ngành có số lượng nguyện vọng nhiều thứ hai là máy tính và công nghệ thông tin, với 336.001 nguyện vọng (trong khi chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu). Đây là hai nhóm ngành luôn "hot" nhiều năm nay.

Trong khi đó, nhóm ngành khoa học xã hội và hành vi cùng nhóm ngành nhân văn thu hút được 512.183 nguyện vọng, theo các chuyên gia đánh giá là "ổn định tương tự những năm trước". Trong khi đó Cao đẳng sư phạm mầm non đặt chỉ tiêu tới 14.534 nhưng số thí sinh đăng ký nguyện vọng chỉ có 9.641, dự báo thời gian tới tình trạng thiếu giáo viên vẫn tiếp tục tiếp diễn.

Thống kê từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cũng cho thấy, có thí sinh đăng ký 72 nguyện vọng, 80 nguyện vọng. Đặc biệt có thí sinh đăng ký nhiều nhất lên đến 99 nguyện vọng. So với những năm trước thì kỷ lục của năm nay đã vượt rất xa (những năm trước nhiều nhất là 50 nguyện vọng).

Theo phân tích từ các chuyên gia tuyển sinh, việc thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng với các ngành khác nhau vào các trường ĐH khác nhau là không cần thiết và không nên. Khi thí sinh đăng ký vào quá nhiều ngành khác nhau, sự tập trung vào ngành học, khối thi của thí sinh sẽ bị phân tán.

Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng và cũng không nên xét tuyển cùng lúc nhiều nhóm ngành khác nhau: từ kinh tế, kỹ thuật đến khoa học xã hội và nhân văn…, mà nên xác định chính xác năng lực, sở thích của bản thân để lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất.

Tuyển sinh 2021: Vẫn đổ xô kinh tế, có mất cân đối ngành nghề?
Xu hướng lựa chọn nhón ngành kinh tế của học sinh năm nay vẫn cao (Ảnh: UEH)

Mất cân bằng ngành nghề

Nhìn vào thống kê có thể thấy lựa chọn ngành nghề của thí sinh đang có sự mất cân đối nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng nguồn nhân lực quốc gia sau này.

Từ nhiều năm nay, khối ngành kinh tế đã được dự báo là dư thừa nhân lực, nhưng nguyên nhân vì đâu học sinh vẫn lựa chọn khối ngành này cao nhất?

Theo đánh giá về xu hướng đăng ký nguyện vọng xét tuyển một số năm gần đây, Bộ GD&ĐT cho biết khối ngành kinh doanh, quản lý và pháp luật luôn có số lượng thí sinh đăng ký cao nhất trong số 7 nhóm ngành. Đây cũng là khối ngành hiện được đào tạo nhiều nhất tại các trường ĐH.

Theo Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân thì: Khối ngành kinh tế - ngân hàng - luật rất đa dạng ngành học. Hiện nay hầu hết các trường đều xét tuyển liên quan đến 3 môn toán - văn - ngoại ngữ, do vậy các em học sinh có nhiều lựa chọn. Đồng thời, về bản chất, khối ngành này ra trường công việc tương đối đa dạng, thí sinh bớt bị áp lực về việc nhất định phải làm ở đâu đó, mà có thể chuyển những lĩnh vực tương đương.

Mặc dù tỷ lệ lựa chọn nhóm ngành Khoa học giáo dục và giáo viên cao hơn những năm trước nhưng nhiều chuyên gia cũng đánh giá rằng, xu hướng vẫn chuộng kinh tế sẽ khiến một vài năm tới, sự mất cân bằng càng lộ rõ trên thị trường lao động.

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. HCM cho rằng: Nhiều ngành như Công nghệ Vật liệu, Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Kỹ nghệ gỗ... vẫn ít thí sinh đăng ký. Trong khi đó, nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ là nhu cầu được dự báo luôn cần trong tương lai.

Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, số liệu thống kê trên hệ thống cho thấy: tính đến 17h ngày 16-5, có trên 35.700 thí sinh chỉ xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm mầm non, chiếm 3,5%.

Tổng số nguyện vọng thí sinh đăng kí là 3,8 triệu. Trong đó có gần 792.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 - chiếm 99,14% so với tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển. Có hơn 690.000 nguyện vọng 2 - chiếm 87,19%.

Số lượng nguyện vọng 3 là gần 580.000 - chiếm 73,23%. Nguyện vọng 4 là gần 456.000 - chiếm 57,57%. Nguyện vọng 5 là trên 350.000 - chiếm 44,22%. Số nguyện vọng còn lại là hơn 952.000 - chiếm 120,3%.

Chọn ngành chọn nghề, chọn chương trình, không chọn được học phí? Chọn ngành chọn nghề, chọn chương trình, không chọn được học phí?

Năm học 2021-2022, các trường ĐH tiếp tục tăng học phí theo lộ trình. Trong đó, nhiều trường bắt đầu áp dụng cơ chế tự ...

T.Fan

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.