Lao động Việt Nam trong thời kỳ mới: Chủ động nắm bắt cơ hội

Trong giai đoạn hiện nay, cả thế giới là một thị trường lao động rộng lớn, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại nhiều quốc gia và ngược lại. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với lao động nước ta, bởi tỷ lệ lao động trong nước qua đào tạo hiện đạt thấp; số lượng lao động trong độ tuổi giảm dần do tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh... Thực tế này đòi hỏi các cấp, ngành hữu quan cần triển khai đồng bộ các giải pháp, nhằm hóa giải các thách thức, chủ động nắm bắt các cơ hội.
Các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm
Các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Thuận lợi song hành khó khăn

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhờ kinh tế - xã hội phát triển, các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng…, nên mỗi năm, thị trường trong nước tạo ra hơn 1 triệu vị trí việc làm cho người lao động. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, cả nước đưa hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. “Thị trường lao động ngày càng rộng mở là cơ hội tốt để người lao động có việc làm, thu nhập, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội”, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Trọng Bình đánh giá.

Tuy nhiên, song hành với cơ hội, lao động Việt Nam đang gặp những khó khăn, thách thức trong quá trình tiếp cận với việc làm, nhất là cơ hội việc làm bền vững. Khó khăn hiện hữu là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng, ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động. Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phạm Quang Vinh cho biết: “Quý I-2021, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến 9,1 triệu lao động ở nước ta, khiến số người thất nghiệp tăng lên gần 1,1 triệu người, tăng hơn 12.000 người so với cùng kỳ năm trước”.

Điểm đáng chú ý là, lực lượng lao động dồi dào vốn là thế mạnh của thị trường Việt Nam, nhưng do tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh nên số lượng lao động trong độ tuổi đang giảm dần. Tính đến cuối tháng 3-2021, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 51 triệu người, giảm 200.000 người so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 600.000 người so với năm 2019.

Về chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ mới đạt 26%, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo ngày càng tăng của các đơn vị, doanh nghiệp. Chính điều này đã khiến một bộ phận người lao động khó tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững, trong khi nhiều doanh nghiệp không tuyển được nhân sự phù hợp. Trưởng phòng Nhân sự (Công ty TNHH Tamron Optical Việt Nam) Nguyễn Thị Tuyết Hoa phản ánh: “Dù đưa ra chế độ hấp dẫn, song chúng tôi không dễ tuyển được người lao động vững kiến thức, thạo kỹ năng”.

Thực tế cho thấy, việc người lao động khó tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững sẽ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Đặc biệt, lực lượng lao động thiếu kỹ năng có nguy cơ thua ngay trên “sân nhà”, khi bị máy móc thay thế hoặc dành cơ hội việc làm tốt cho lao động đến từ các quốc gia khác.

Nếu thiếu kỹ năng, lao động Việt Nam sẽ phải dành cơ hội việc làm tốt cho lao động đến từ các quốc gia khác. Trong ảnh: Chuyên gia nước ngoài (bên trái) làm việc tại Nhà máy sản xuất điện thoại VinSmart (thành phố Hải Phòng). Ảnh: Văn Phong
Nếu thiếu kỹ năng, lao động Việt Nam sẽ phải dành cơ hội việc làm tốt cho lao động đến từ các quốc gia khác. Trong ảnh: Chuyên gia nước ngoài (bên trái) làm việc tại Nhà máy sản xuất điện thoại VinSmart (thành phố Hải Phòng). Ảnh: Văn Phong

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, để xây dựng thị trường lao động đủ sức cạnh tranh, Cục đã phối hợp với các đơn vị xây dựng hai đề án. Theo đó, đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động” được thiết kế đa tầng, đa lĩnh vực, rõ thông tin, dữ liệu cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; còn đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” gồm nhiều giải pháp cụ thể để hỗ trợ thị trường phát triển theo hướng năng động, hiện đại, tăng sức cạnh tranh; tăng cường kết nối cung - cầu về lao động…

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng, mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề hằng năm được các địa phương lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nghề. Trong khi đó, các nhà trường phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, bảo đảm đa số người học chắc chắn có việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân thông tin, quý I-2021, thành phố giải quyết việc làm cho hơn 40.000 người. Từ nay đến cuối năm, toàn thành phố phấn đấu đào tạo nghề cho hơn 220.000 lượt người, tạo việc làm mới cho ít nhất 160.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 71,5% (hiện là 70,25%)…

Về phía chủ sử dụng lao động, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động đang làm việc, đồng thời phối hợp với các trường nghề đào tạo lực lượng lao động dự phòng. “Theo hướng này, chúng tôi dần có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu công việc”, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vinaconex 1 Nguyễn Xuân Thọ thông tin.

Đối với người học, khi chủ động trang bị kiến thức nghề nghiệp, họ dễ dàng tiếp cận với cơ hội việc làm. Em Nguyễn Văn Quân, sinh viên Trường Cao đẳng nghề điện tử - điện lạnh Hà Nội chia sẻ: “Dù chưa tốt nghiệp nhưng tôi đã được một số doanh nghiệp nhận vào làm việc”.

Thông qua nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh tin tưởng, giai đoạn 2021-2025, mỗi năm cả nước tiếp tục tạo ra hơn 1 triệu vị trí việc làm mới cho người lao động; số lao động được đào tạo nghề trong giai đoạn này là hơn 19 triệu lượt người, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 70% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025…

Minh Vũ - Hà Nội Mới

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.