Sự trỗi dậy của điện ảnh Châu Á và cơ hội cho phim Việt: Khi chúng ta đi cùng hơi thở thời đại

Oscar những năm gần đây ngày càng tiến bộ trong việc đa dạng hóa sắc tộc, và các đại diện đến từ châu Á cũng đang ghi nhiều dấu ấn đậm nét hơn tại giải thưởng điện ảnh lớn nhất hành tinh này. Hai năm gần nhất, Oscar chứng kiến sự trỗi dậy mang tên Châu Á. Dù điện ảnh Việt còn cách Oscar một chặng đường dài, nhưng không phải chúng ta không có hi vọng.

Châu Á và những niềm tự hào tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh

Thay vì đứng nhìn sân chơi giải thưởng này thuộc về những nhà sản xuất phim phương Tây, điện ảnh Châu Á những năm gần đây đã đường hoàng nhận những giải thưởng quan trọng, góp mặt trong nhiều hạng mục đề cử chính của Oscar.

Năm 2021, đạo diễn Chloé Zhao - người phụ nữ gốc Á đã giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất Oscar 2021. Không chỉ được tượng vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Nomadland của nữ đạo diễn 38 tuổi này còn rinh luôn tượng vàng cho Phim hay nhất và Nữ chính xuất sắc nhất. Điều đáng nói, đây không phải là chiến thắng bất ngờ, khi bộ phim về cuộc sống du mục Nomadland của cô vốn đã nhận được sự đánh giá rất cao từ giới phê bình trong quá trình xét giải.

Chloé Zhao cũng là người phụ nữ thứ 2 trong lịch sử gần 100 năm của Oscar giành được tượng vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất.

Tiếp tục, một đại diện đến từ châu Á khác cũng làm nên lịch sử tại Oscar 2021 là Youn Yuh Jung, người trở thành diễn viên Hàn Quốc đầu tiên giành được giải Oscar với tượng vàng Nữ phụ xuất sắc nhất cho vai diễn trong bộ phim nói tiếng Hàn Minari.

Phát biểu nhận giải, bà nhắc đến những người được đề cử trong cùng hạng mục với mình, khiêm tốn nói rằng "chúng tôi diễn những vai khác nhau, nên đâu phải là thi thố với nhau. Hôm nay tôi ở đây là vì tôi có chút may mắn hơn các diễn viên khác mà thôi". Bài phát biểu của nữ diễn viên gạo cội “gây sốt” và cũng cho thế giới thấy về những người Châu Á vui vẻ và chăm chỉ.

Sự trỗi dậy của điện ảnh Châu Á và cơ hội cho phim Việt: Khi chúng ta đi cùng hơi thở thời đại
Youn Yuh Jung trở thành diễn viên Hàn Quốc đầu tiên giành được giải Oscar với tượng vàng Nữ phụ xuất sắc nhất cho vai diễn trong bộ phim nói tiếng Hàn Minari (Ảnh: TTXVN)

Ngoài Youn Yuh Jung và Chloé Zhao, dấu ấn châu Á còn được nhìn thấy ở Steven Yeun, nam diễn viên Mỹ gốc Á đầu tiên được đề cử Nam chính xuất sắc nhất tại Oscar, cho vai diễn trong cùng phim Minari.

Mới một năm trước, "kỳ tích" mang tên Parasite tại Oscar 2020 vẫn như còn rất nguyên vẹn khi tại nên một “cú ăn” lịch sử . "Siêu phẩm" của đạo diễn Bong Joon Ho đã thắng giòn giã 4 giải thưởng gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Phim quốc tế hay nhất.

Cái đáng nói ở chỗ: Parasite là phim không nói tiếng Anh đầu tiên giành chiến thắng hạng mục Phim hay nhất, điều chưa từng có trong lịch sử hơn 90 năm của giải thưởng điện ảnh hằng năm của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ.

Thực ra, điện ảnh Châu Á từ nhiều năm qua đã có những dấu ấn tại Oscar. Tuy nhiên, để đậm nét và đường hoàng “chiếm sóng” sân khấu chính – đó vẫn là chuyện mà nhiều người ít nghĩ tới, cho đến 2 năm nay.

Và những đòi hỏi cho phim Việt

Từ "Mùi đủ đủ xanh" của đạo diễn Việt kiều Pháp Trần Anh Hùng - được đề cử cho giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 66 đến giờ đã gần 30 năm. Đây cũng là phim nói tiếng Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay từng nhận được đề cử Oscar. Còn lại, hàng năm chúng ta đều có phim tham dự, tuy nhiên chưa lọt danh sách rút gọn, chứ chưa nói đến đề cử 5 cái tên sau cùng.

Điện ảnh thế giới và cả Châu Á đã có những bước tiến, và chính điện ảnh Việt cũng có nhiều thay đổi. Thay đổi từ đội ngũ làm phim đến doanh thu phòng vé và chất lượng các phim. Chúng ta đang trong một thế giới rộng mở, mà nếu tự tách biệt mình chúng ta dễ thụt lùi, nên phải lựa chọn: Thở nhịp thở chung của điện ảnh thế giới và thu hẹp khoảng cách trong công nghệ phim ảnh ở từng khu vực, từng châu lục.

Sự trỗi dậy của điện ảnh Châu Á và cơ hội cho phim Việt: Khi chúng ta đi cùng hơi thở thời đại
Mùi đu đủ xanh vẫn là phim nói tiếng Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay từng nhận được đề cử Oscar (Ảnh: ĐPCC)

Sự trỗi dậy của điện ảnh Châu Á cho chúng ta thấy rõ ràng một vấn đề rằng: Khoảng cách mà bấy lâu nay Oscar – giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh vẫn có đã thu hẹp. Giới phân tích đã chỉ ra rằng Oscar 2021 có nhiều đề cử cho những diễn viên da màu nhất, và cũng đa dạng phim tham dự từ nước ngoài nhất. Khoảng cách ấy được thu hẹp, đồng nghĩa với điện ảnh Việt (dù phải đi những quãng đường rất xa nữa) vẫn có cơ hội.

Trước đây chúng ta lo lắng về một phim không nói tiếng Anh thì khó có cơ hội đạt giải, nhưng Parasite đã xóa bỏ tất cả rồi. Chúng ta lo về những đạo diễn gốc Á, diễn viên gốc Phi khó có cơ chiến thắng, nhưng giải thưởng những năm gần đây đã xóa bỏ tất cả những mối lo đó (dù rằng, để cạnh tranh với phim Mỹ, tất nhiên phải rất độc đáo, phải rất xuất sắc và ngôn ngữ điện ảnh phải ấn tượng).

Phim tham dự Oscar của Việt Nam những năm qua đa phần là phim có tiếng vang, có doanh thu tốt trong nước, nhưng đặc sắc thì chưa. Vì cơ bản là khi làm phim, các nhà sản xuất vẫn chịu rất nhiều áp lực doanh thu, và vô tình bị bức tường ngăn cách giữa phim thương mại và phim nghệ thuật phân chia. Giải được bài toán này thời gian tới vẫn khó khăn.

Nhưng có một điều chắc chắn là: Oscar luôn có chỗ cho những phim bản sắc và tiếng nói văn hóa riêng, ngôn ngữ hình tượng trong phim đó rõ nét. Khi Châu Á là ngôi sao đang lên của giải điện ảnh này, chúng ta cũng nên nghĩ đến việc làm những bộ phim có bản sắc, có ngôn ngữ điện ảnh tốt. Như vậy, một ngày nào đó được tiến sâu hơn ở giải thưởng ấy không phải là điều không thể.

Ngày 28-4, Hội thảo “Nền công nghiệp Điện ảnh Việt Nam – Phát triển bền vững và mang tính cạnh tranh quốc tế” đang được tổ chức. Hội thảo đánh dấu sự phát triển hợp tác giữa Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) và Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) trong hoạt động xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đồng thời mở ra cơ hội hợp tác giữa các nhà sản xuất phim Việt Nam và các đối tác nước ngoài đặc biệt là các hãng phim Hollywood. Đây là một trong những cơ hội cho điện ảnh Việt có thêm bước chạy đà để bắt nhịp với hơi thở của điện ảnh thế giới. Hợp tác, cũng khiến các phim trong nước có chất lượng tốt hơn, nhiều cơ hội hơn ở thị trường quốc tế.
“Mắt biếc” sớm bị loại khỏi đường đua Oscar 2021 “Mắt biếc” sớm bị loại khỏi đường đua Oscar 2021

Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) vừa công bố danh sách rút gọn của một số hạng mục Oscar ...

Chọn đại diện Việt Nam dự tranh Oscar: Vẫn cứ tuyển “tinh” mà chưa thật “tinh” Chọn đại diện Việt Nam dự tranh Oscar: Vẫn cứ tuyển “tinh” mà chưa thật “tinh”

Mới đây, bộ phim “Mắt biếc” - chuyển thể từ nguyên tác văn học của Nguyễn Nhật Ánh do đạo diễn Victor Vũ thực hiện ...

Giấc mơ nào cho điện ảnh Việt? Giấc mơ nào cho điện ảnh Việt?

Giải thưởng Oscar danh giá lần thứ 92 đã khép lại với chiến thắng vang dội của điện ảnh châu Á. Parasite (Ký sinh trùng) ...

“Hai Phượng” và giấc mơ lớn mang tên Oscar “Hai Phượng” và giấc mơ lớn mang tên Oscar

Để tham dự vòng sơ tuyển Giải thưởng danh giá Oscar dành cho hạng mục “Phim truyện quốc tế” (tên cũ là giải thưởng “Phim ...

Nam Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.