Luật sư phân tích về hình phạt dành cho nghi phạm cướp Ngân hàng BIDV

Nghi phạm đã lên kế hoạch, chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội là khẩu súng ngắn và 1 khối bên ngoài bọc băng dính đen giống như mìn xông vào chi nhánh ngân hàng, đe dọa các nhân viên giao dịch để…

Ngày 15-3, CA huyện Phúc Thọ, Hà Nội thông tin về việc bắt giữ đối tượng cướp ngân hàng trên địa bàn. Đó là Phạm Anh Hào, SN 1978, trú số 64, ngõ 179 Trương Định, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Theo đó, khoảng 11g55 cùng ngày, một đối tượng mặc áo đồng phục Grab màu xanh, mang 1 vật dạng khẩu súng ngắn bật lửa và một khối bên ngoài bọc bằng băng dính đen có que kiểu ăng ten vào phòng giao dịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Sơn Tây, địa chỉ ngã tư Gạch, huyện Phúc Thọ.

Đối tượng Phạm Anh Hào và tang vật gây án
Đối tượng Phạm Anh Hào và tang vật gây án

Đối tượng để khối bọc băng dính màu đen trước cửa ra vào của ngân hàng, tay phải cầm súng yêu cầu nhân viên ngân hàng cho tiền vào túi mang theo sẵn và bảo “nhanh ko mìn nổ” và “sẽ bắn chết”...

Nhân viên ngân hàng đã ấn chuông báo động kết nối với CA huyện Phúc Thọ, đồng thời bỏ 76 triệu đồng vào túi đưa cho Hào. Đối tượng nhận được tiền bỏ chạy ra cửa thì bị CA huyện Phúc Thọ và bảo vệ, nhân viên ngân hàng bắt quả tang, thu giữ toàn bộ tang vật.

Tại CQĐT, đối tượng được làm rõ là Phạm Anh Hào. Đây là đối tượng từng có 1 tiền án về tội "Trộm cắp tài sản", hiện đang là lái xe taxi hãng Thành Lợi. Do có mục đích từ trước nên Hào nhiều lần đến chi nhánh ngân hàng này khảo sát địa điểm, chờ thời cơ thực hiện hành vi. CA huyện Phúc Thọ cũng đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phúc Thọ tiến hành khống chế đảm bảo an toàn khối bọc băng dính đen nghi là mìn.

“Hành vi dùng vũ lực, hung khí đe dọa cán bộ nhân viên ngân hàng để lấy tài sản là hành vi cướp tài sản. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, nghi phạm Phạm Anh Hào sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc với khung hình phạt có thể lên đến 10 năm tù”, luật sư Phạm Quang Xá (Cty luật XTVN - Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết.

Điều 168, BLHS năm 2015 quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 18 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Cũng theo luật sư Phạm Quang Xá, mặt khách quan của tội cướp tài sản là có hành vi đe doạ ngay tức khắc dùng vũ lực. Đó là hành vi cụ thể của người phạm tội biểu hiện cho người bị tấn công biết rằng người phạm tội có thể sử dụng vũ lực (khi bắn, chém, kích hoạt khối thuốc nổ, bom, mìn…) ngay tức khắc nếu người bị tấn công có hành vi cản trở việc chiếm đoạt tài sản của người phạm tội nhằm làm tê liệt ý chí kháng cự của người bị tấn công.

Đối tượng chiếm đoạt của hành vi cướp tài sản là tài sản của Nhà nước, của tổ chức, tài sản của công dân. Đối với tội danh này, việc hậu quả có xảy ra hay không (có lấy được tài sản hay không), giá trị tài sản ít hay nhiều không làm ảnh hưởng đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội mà chỉ có ý nghĩa về định khung hình phạt. Thời điểm hoàn thành của tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Quang Xá cho rằng, hành vi phạm tội của nghi phạm Phạm Anh Hào rất táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật, sử dụng vũ khí xông vào chi nhánh ngân hàng giữa trung tâm Thủ đô để chiếm đoạt tài sản nên khi bắt được đối tượng cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật mới có đủ sức răn đe, phòng ngừa tội phạm trong tình hình hiện nay.

“Để xác định chính xác khung hình phạt xử lý tội “Cướp tài sản”, cần làm rõ ý thức chủ quan và hành vi khách quan của nghi phạm khi chiếm đoạt tài sản. Nếu nghi phạm đe dọa yêu cầu các nhân viên ngân hàng đưa tiền mà không nói số tiền cụ thể, còn các nhân viên đưa 76 triệu đồng hoặc tại thời điểm đó quầy giao dịch chỉ có 76 triệu đồng, thì nghi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm đ, Khoản 2 Điều 168, BLHS với khung hình phạt tù từ 7-15 năm.”, luật sư Phạm Quang Xá phân tích.

Dù chưa chiếm đoạt được tài sản của Ngân hàng nhưng theo luật sư Phạm Quang Xá, nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm trong trường hợp phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 15 BLHS. “Trường hợp, nghi phạm đã yêu cầu giao dịch viên đưa một số tiền cụ thể thì sẽ phải chịu trách nhiệm tăng nặng tương ứng với trị giá tài sản nhằm chiếm đoạt theo quy định tại Điều 168, BLHS”, luật sư Phạm Quang Xá nói.

Quốc Doanh - Quang Khởi

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.