Đề nghị xác định rõ các trường hợp buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử

Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một chính sách về xác định các trường hợp mà cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp; các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, vừa góp ý vào Dự thảo Đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử.

Theo VCCI, Dự thảo sẽ bổ sung các quy định về dịch vụ định danh điện tử, xác thực điện tử và dịch vụ tin cậy. Cùng với dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử thì sẽ có đến ba loại hình dịch vụ có chức năng khá tương đồng, đều nhằm xác định tính chính xác của nội dung và người gửi dữ liệu điện tử.

Đó là chưa kể đến một số dịch vụ khác được quy định trong các văn bản pháp luật khác như dịch vụ an toàn thông tin mạng, dịch vụ mật mã dân sự trong Luật An toàn thông tin mạng, dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử trong Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.

Đề nghị xác định rõ các trường hợp buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử
Ảnh minh họa.

Theo VCCI, quy định về các dịch vụ này có nguy cơ chồng chéo, xung đột. Do đó, cần rà soát và thống nhất các quy định trên, trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng một luật để sửa nhiều luật, nhằm tránh nguy cơ chồng chéo quy định về các dịch vụ xác thực điện tử.

Hiện nay, có tình trạng một số doanh nghiệp và người dân mong muốn được thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, nhưng nhiều trường hợp cơ quan nhà nước từ chối tiếp nhận bản điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu doanh nghiệp và người dân nộp thêm bản giấy.

Theo VCCI, điều này gây cản trở rất lớn đối với việc điện tử hoá các dịch vụ công, thủ tục hành chính, gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thậm chí còn là cơ hội cho nhũng nhiễu, tiêu cực.

Vấn đề các cơ quan nhà nước có chấp nhận giao dịch điện tử hay không thường được quy định ở pháp luật chuyên ngành do chính cơ quan đó soạn thảo, vì vậy mà tốc độ chuyển biến rất chậm.

Để khắc phục tình trạng này, VCCI cho rằng, cần có chính sách mạnh và quy định rõ ràng từ Luật Giao dịch điện tử về các giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một chính sách về xác định các trường hợp mà cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp; các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ”, VCCI đề nghị.

H.L

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.