Gần 8.000 cuộc họp tổ dân phố giúp người dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em

Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân cảnh giác phòng ngừa, tích cực tham gia phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người.

Qua 3 năm thực hiện (2018-2020), Dự án 4 “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người” đã được Ban Chủ nhiệm Dự án triển khai đồng bộ với những hình thức, biện pháp linh hoạt sáng tạo.

Một trong những yếu tố tạo nên kết quả cao trong hoạt động trên là nhờ công tác xây dựng, hoàn thiện và phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai quyết liệt.

Xác định phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người nhiệm vụ quan trọng nên các đơn vị thành viên của Ban Chủ nhiệm Dự án 4 đã tham mưu Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành xây dựng, ban hành và trực tiếp ban hành hơn 25 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người.

Liên ngành Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Lao động Thương binh xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT- BLĐTBXH-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 21-12-2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; Bộ Công an dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tện nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng và hoàn thiện Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện một số thông tư, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Gần 8.000 cuộc họp tổ dân phố giúp người dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em
Các cuộc họp tại cộng đồng dân cư về công tác PBGDPL thường xuyên được tổ chức

Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) chủ trì với các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 Quyết định phê duyệt các chương trình, đề án về lĩnh vực trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Vụ Gia đình (Bộ Văn hoán, Thể thao và Du lịch) xây dựng cơ bản dữ liệu quốc gia về gia đình; trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) xây dựng và tổ chức lấy ý kiến tham gia Dự thảo Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Vụ Tổng hợp (Tòa án nhân dân tối cao) tham mưu xây dựng Thông tư quyết định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng và người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa án gia đình và người chưa thành niên.

Các địa phương chỉ đạo Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tổ chức gần 8.000 cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng dân cư, họp tổ dân phố quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan mới ban hành nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và người dân cảnh giác phòng ngừa, tích cực tham gia phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật, phòng chống bạo lực gia đình, mua bán người.

Nam Du

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.