Lao động Việt được làm thêm 7 loại hình công việc xây dựng tại Nhật Bản

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), Nhật Bản vừa bổ sung 7 loại hình công việc trong lĩnh vực xây dựng được phép tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định dành cho lao động người nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

7 loại hình công việc được bổ sung gồm: Giàn giáo, nghề mộc, thi công hệ thống nước, gia công kim loại tấm, giữ nhiệt và làm mát, phun vật liệu cách nhiệt urethane, xây dựng dân dụng ngoài khơi. Các công việc bổ sung này nằm trong lĩnh vực xây dựng, một trong 14 ngành nghề được Nhật Bản cấp visa cho chương trình kỹ năng đặc định.

lao dong viet duoc lam them 7 loai hinh cong viec xay dung tai nhat ban
Chương trình tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định của Nhật đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các lao động có tay nghề. Ảnh minh họa

Trước đó, Nhật Bản công bố 14 ngành được phép tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định gồm: Xây dựng; đóng tàu và công nghiệp cơ khí máy móc tàu thuyền; sửa chữa bảo dưỡng ô tô; hàng không; lưu trú khách sạn; điều dưỡng; bảo dưỡng cao ốc; nông nghiệp; ngư nghiệp; công nghiệp chế biến đồ uống và thực phẩm; dịch vụ ăn uống; ngành công nghiệp gia công cơ khí; ngành chế tạo máy công nghiệp; ngành công nghiệp điện và điện tử. Đây đều là những ngành nghề mà Nhật Bản đang thiếu hụt lao động trầm trọng.

Ngay sau khi phía Nhật Bản có điều chỉnh mới, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp tham gia cung ứng lao động kỹ năng đặc định cho thị trường Nhật Bản để doanh nghiệp chủ động triển khai hợp tác với đối tác Nhật Bản.

Được biết, chương trình kỹ năng đặc định được Nhật Bản triển khai từ tháng 4-2019. Đây là chương trình tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài có trình độ chuyên môn và kỹ năng nhất định nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng ở Nhật Bản.

Lao động nước ngoài tham gia chương trình này sẽ có có mức lương, quyền lợi như lao động bản địa, đồng thời có cơ hội định cư lâu dài tại Nhật Bản.

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.