Cô gái trẻ đánh mất tương lai vì phạm tội buôn người

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi khi mùa vụ chưa tới, Trần Thị Quy, SN 1986, trú tại Thanh Lâm, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lại lên cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn kiếm việc làm thuê những mong có thêm chút tiền trang trải cuộc sống gia đình. Được một người đàn ông bên kia biên giới rủ rê, lôi kéo, Quy đã tham gia vào một đường dây buôn người để rồi vì lòng tham lấn lướt lý trí mà đánh đổi cả hạnh phúc gia đình.

Trả giá đắt vì lòng tham làm mờ mắt

Học chưa hết cấp một trường làng, Quy ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng đến khi thấy trong làng có nhiều người lên TP Lạng Sơn kiếm sống thì cũng đi theo. Cuộc sống chạy chợ qua lại giữa hai bên biên giới đã giúp Quy nhanh chóng trưởng thành và sau khi kiếm được một lưng vốn kha khá, cô quay về quê nhà tính chuyện mở một cửa hàng tạp hóa. Thế nhưng cuộc sống ở quê với khách mua hàng đa số là người quen biết nên chuyện mua bán đồng nợ, đồng chịu là khó tránh khỏi. Và với lưng vốn khiêm tốn ấy chỉ giúp Quy cầm cự với thu nhập không đủ chi tiêu. Giao lại cửa hàng để bố mẹ trông coi, quản lý, Quy lại ngược lên biên giới, tiếp tục cuộc sống bán buôn nơi cửa khẩu và quá trình thường xuyên vượt biên sang Lũng Vài, Trung Quốc, Quy có quan hệ với một người đàn ông sở tại có tên là Vầu. Đây là đối tượng có liên quan đến các đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc nhưng Quy không hề hay biết.

Cô chỉ biết Vầu là người có tiền, chịu chơi và những lần mua hàng của cô đều thanh toán rất sằng phẳng. Sau một thời gian tiếp xúc, Quy được người đàn ông này đề nghị “hợp tác làm ăn” và trước những lời rủ rê của ông ta về những thủ đoạn kiếm tiền tưởng như rất nhẹ nhàng mà thu lời cao, Quy đã nhận lời. Đó là một ngày cuối tháng 3 năm 2010. Theo lời Quy thì Vầu sẽ trả cho Quy 2.000 NDT (tương đương gần 5 triệu đồng Việt Nam) nếu đưa được một cô gái sang Trung Quốc giới thiệu cho ông ta còn để làm gì thì Quy không cần biết.

Nhớ lại chuyện đã xảy ra, Quy bảo, vì nhiều lần tiếp xúc với Vầu, thông qua cách ăn mặc và chi tiêu của Vầu, cô không nghĩ đó là một tú ông chuyên hại đời các cô gái trẻ. “Ông ta kể với tôi rằng, gia đình nhiều đời làm nghề buôn bán, có mấy cửa hàng bán vải và quần áo trong chợ nên tôi nghĩ ông ta cần tuyển những cô gái trẻ đẹp về làm nhân viên để phong phú cửa hàng, thu hút khách du lịch”, Quy tâm sự.

Vì thông thạo đường đi nên sau khi thống nhất cách thức làm ăn với Vầu, Quy trở về nước và ráo riết tìm người để đưa sang và hai cô gái trẻ quê ở Phong Châu, Phú Thọ vì nghe lời Quy nói có người bạn đang tuyển nhân viên bán hàng nên đã nhẹ dạ tin theo mà sập bẫy. Sau khi theo chân Quy vượt biên sang Trung Quốc, các cô đã bị đối tượng Vầu bán vào động mại dâm và mất gần một năm sống trong cảnh đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần, các cô mới may mắn có được cơ hội trở về nước. Vì mặc cảm và xấu hổ nên các cô đã không dám làm đơn tố cáo và chỉ khi Quy bị lực lượng biên phòng bắt quả tang đang trên đường đưa một cô gái khác lén lút vượt biên thì việc Quy lừa bán 2 cô gái này mới được phát hiện. Với hành vi lừa bán 3 cô gái, Quy đã phải trả giá bằng bản án 19 năm tù giam.

co gai tre danh mat tuong lai vi pham toi buon nguoi

Các nữ phạm nhân trại giam số 5 đang cải tạo lao động ở xưởng may bao bì. Ảnh: N.Vũ

Mong được tha thứ

Về trại giam số 5 cải tạo ở đội may mặc, đến nay đã gần chục năm, Quy bảo mới được một lần giảm án. Lý do mà cô ta đưa ra là do thời gian đầu vào trại cải tạo vì chưa quen môi trường nên hay đau ốm, vì thế mà tư tưởng nảy sinh tiêu cực nên hay phải viết bản kiểm điểm vì vi phạm nội qui. Mấy năm trở lại đây, Quy đã suy nghĩ chín chắn hơn và hiểu rằng ngoài con đường phải cải tạo tốt thì không có cách nào nhanh nhất có được tự do về đoàn tụ với gia đình. Quy bảo tiếc mấy năm đầu không chuyên cần lao động mà bỏ phí mất cơ hội được giảm án. Nữ phạm nhân này bao biện rằng tại ngày bị bắt còn trẻ tuổi, nông nổi và hiếu thắng nên suy nghĩ không thấu đáo, bây giờ nghĩ lại thấy mình “quá dại”.

Hỏi Quy có phải ngày đó vì mải nghĩ tới chuyện kiếm tiền nên “quên” mất việc lấy chồng hay không, cô ta cười cười để lộ hàm răng đều tăm tắp. Quy tâm sự rằng, từng được một bà chủ thuê bán hàng và hứa sẽ kiếm cho một gia đình chồng khá giả làm chỗ nương thân. Thế nhưng sau một thời gian, Quy mới nhận ra rằng đó chỉ là lời nói đãi bôi không đáng tin tưởng. “Thời gian đầu tôi lên biên giới làm cửu vạn, sau được một bà chủ bán mỹ phẩm thấy hình thức của tôi cũng tạm được nên nhận vào làm. Bà ta hứa sẽ mai mối cho một đám khá giả để cuộc sống sau này đỡ vất vả nhưng một thời gian sau thì tôi biết mình bị mắc lừa. Bà ta nói thế chỉ nhằm mục đích tôi bỏ hết công hết sức làm việc cho bà ấy và dùng thủ đoạn giữ lương để trói buộc tôi. Đến lúc tôi bỏ đi, bà ấy còn nợ tôi 6 tháng tiền lương không chịu thanh toán”, Quy tâm sự, giọng còn đầy bức xúc.

Theo lời cô gái này thì giữa lúc khó khăn ấy thì Quy gặp Vầu và sự rủ rê liên kết làm ăn của ông ta nhanh chóng được chấp thuận. Quy bảo rằng ngày đầu vào trại giam, mỗi đêm buông mình xuống chiếu nằm, hơi lạnh tường nền xi măng khiến cô không thể ngủ ngay và trong giây phút trằn trọc thao thức ấy, ký ức về cuộc sống bên ngoài lại tái hiện về trong đầu. Quy bảo, cô chỉ mong ước có một cuộc sống bình thường và cô đã từng kiếm tiền bằng sức lao động của mình nhưng chỉ gặp dối lừa nên tỏ ra bất mãn. Hận cuộc đời đã đối xử không công bằng với mình nên Quy nảy sinh ý nghĩ tiêu cực và chỉ cần có ai nói một câu bóng gió thôi là cô ta sẵn sàng tìm cách gây sự để đôi co, phân định thắng thua.

Nhưng rồi khi biết nhiều phạm nhân cùng buồng có hoàn cảnh còn khổ hơn mình nhưng vẫn quyết tâm cải tạo tiến bộ và những giây phút bịn rịn chia tay người đi, kẻ ở của phạm nhân ra trại với người còn đang chấp hành án đã ít nhiều tác động đến suy nghĩ của Quy. Cô ta bảo từ ngày “biết nghĩ hơn” đã yên tâm cải tạo, không còn quậy phá như trước nữa. Nữ phạm nhân này bộc bạch rất thật rằng, mỗi khi bắt gặp trên ti vi cảnh các cô gái trẻ điệu đà trong những trang phục đẹp lại không nén nổi tiếng thở dài. Quy tiếc tuổi xuân của mình và không khỏi ân hận khi nghĩ đến những bị hại của mình. Quy bảo, cô rất ân hận và chẳng biết nói gì hơn ngoài sự cầu mong được tha thứ. Người phụ nữ này bộc bạch rằng ý định của cô ta sau này ra trại sẽ không về quê mà đi nơi khác sinh sống.

“Có thể tôi sẽ chọn mảnh đất Tây Nguyên hoặc vào các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương để tìm một việc làm phù hợp. Tôi muốn quên đi quá khứ và mong ước không gặp lại những người đã biết chuyện của mình dù đó là người thân hay bị hại để bắt đầu một cuộc sống mới”, Quy tâm sự.

Nguyễn Vũ - Hà My

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.