Những lưu ý khi người tiêu dùng mua sắm trực tuyến

Để có được trải nghiệm tốt và tránh bị lừa đảo khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng cần lưu ý một số nội dung sau.
nhung luu y khi nguoi tieu dung mua sam truc tuyen
Ảnh minh họa.

Việc mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến, nó làm giảm thời gian đi lại cũng như dễ dàng lựa chọn, so sánh sản phẩm của các cửa hàng khác.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần phải có những lưu ý trong việc mua hàng trực tuyến để tránh những vấn đề phát sinh không đáng có xảy ra.

Kiểm tra thông tin sản phẩm: Trước khi quyết định mua một sản phẩm trên “chợ” thương mại điện tử, người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm xem có đúng với những thông số mô tả và đúng với những gì mình mong muốn ở sản phẩm.

Xác nhận thông tin cửa hàng: Lưu lại thông tin của cửa hàng mà mình quyết định chọn mua sản phẩm (địa chỉ, điện thoại, người bán…) và nên tìm những cửa hàng được đánh giá tin cậy trên trang thương mại điện tử.

Chọn kênh thanh toán an toàn: Có các hình thức thanh toán hiện nay được coi là an toàn như thanh toán qua thẻ tín dụng, ví điện tử, thanh toán khi nhận hàng (COD). Tránh hình thức thanh toán chuyển khoản trước, nhận hàng sau.

Đọc kỹ các điều khoản và điều kiện, chính sách đổi trả, dịch vụ hậu mãi khi mua hàng trên “chợ” thương mại điện tử.

Chụp lại màn hình xác nhận khi chốt đơn hàng: Màn hình xác nhận cuối cùng ghi lại các thông tin của đơn hàng cũng như xác nhận của cả hai được coi là hóa đơn cũng như hợp đồng mua bán.

Kiểm tra kỹ hàng khi nhận: Khi nhận hàng phải kiểm tra ký và nếu có các vấn đề phát sinh như khiếu nại, đổi trả phải thông báo và xác nhận ngay với cửa hàng.

Giữ lại hóa đơn mua hàng: Người tiêu dùng cần giữ lại các hóa đơn, phiếu bảo hàng hay các giấy tờ xác nhận đã nhận hàng để nếu có vấn đề phát sinh sẽ có căn cứ để yêu cầu nơi bán hàng bảo hành hoặc đổi, trả hàng.

C.Kỳ

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.