Túi nâng ngực vỡ, người phụ nữ bị các mảnh silicon công nghiệp dính chặt vào các mô tuyến ngực

Cách đây 14 năm, một phụ nữ ở Lâm Đồng đã nâng ngực tại một thẩm mỹ viện ở TP Hồ Chí Minh. Chị cũng không nhớ chính xác tên của nhãn hiệu túi ngực mà mình được tư vấn mà chỉ nhớ bác sỹ lúc đó tư vấn đây là loại "túi ngực hiện đại nhất của Pháp". Hậu quả là túi ngực vỡ, silicon tràn ra nách và dính vào các tuyến mô ở ngực khiến bệnh nhân ngứa ngáy, đau và tìm đến một BV tư nhân ở TP Hồ Chí Minh để kiểm tra.

Tại đây, bệnh nhân B.T.A . 49 tuổi, ngụ tại TP. Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết, loại túi ngực mà chị lựa chọn nâng 14 năm trước có giá 2.500 đô la Mỹ. Lúc đó bác sĩ thực hiện chỉ giới thiệu rất mập mờ về thông tin túi ngực, chị chỉ nghe được đó là loại “túi ngực hiện đại nhất của Pháp”.

Khoảng 3 năm trở lại, chị A. thấy xung quanh đầu ti ngày càng xuất hiện nhiều vết thâm tím, vùng khoang ngực ngứa âm ỉ khiến chị vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, chị A. cho rằng đây là vấn đề da liễu bình thường nên chị A. không chú ý và không đến bệnh viện để kiểm tra. Cho tới gần đây, khi những vết thâm tím chuyển sang màu đen, lan rộng khắp cả quầng vú, tình trạng ngứa xuất hiện kèm những cơn đau co thắt thường xuyên chị mới quyết định đến đến một BV tư nhân tại TP Hồ Chí Minh.

Qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ Phan Tú Dung cho biết, ngực bên phải của bệnh nhân biến dạng hẳn so với bên trái, kèm triệu chứng vùng da quầng vú thâm đen, cơn ngứa lan rộng từ đầu ti kéo đến hố nách. Nghi ngờ túi ngực có vấn đề, bác sĩ Tú Dung chỉ định bệnh nhân cần phải chụp MRI ngay lập tức để đánh giá chính xác mô mềm.

Kết quả MRI cho thấy, túi ngực bên phải của bệnh nhân đã vỡ, khiến silicon từ túi ngực trào ra ngoài, thẩm thấu vào các mô, tuyến và lớp biểu bì da, thậm chí tràn ra hố nách phải khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng đau nhức, ngứa ngáy vô cùng.

Còn túi ngực bên trái bị móp biến dạng và vùng ngực có dấu hiệu co thắt bao xơ. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được tiến hành giải phẫu khẩn cấp tháo túi ngực và nạo vét các mảnh silicon công nghiệp đang dính chặt ở các mô tuyến ngực, kịp thời cứu chữa cho bệnh nhân.

tui nang nguc vo nguoi phu nu bi cac manh silicon cong nghiep dinh chat vao cac mo tuyen nguc
Túi nâng ngực bị vỡ khiến silicon công nghiệp tràn ra khắp nách, bám vào tuyến mô ở ngực bệnh nhân (ảnh: BVCC)

Theo bác sĩ Tú Dung, tình trạng túi ngực bên phải của bệnh nhân bị vỡ hoàn toàn, túi ngực bên trái bị móp méo, xơ cứng và xảy ra tình trạng co thắt bao xơ. Dịch nhầy màu vàng chảy nham nhở và loang lổ khắp khoang ngực, gây nên tình trạng nhớp dính như đầm lầy. Màu gel chảy ra có màu ngả vàng, khác hoàn toàn với gel túi ngực bình thường có màu trong suốt.

Cả ê-kíp đã phải tỉ mỉ vét sạch từng chút các mảnh silicon công nghiệp dính chặt trong các thớ thịt của bệnh nhân, bơm rửa và làm sạch toàn bộ ổ dịch trong ngực để tránh nguy cơ viêm mô tuyến ngực và ung thư vú. Sau 3,5 giờ phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được tiếp tục tiêm truyền kháng sinh trong 1 tuần để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Về nguyên nhân khiến ngực bệnh nhân bị hoại tử, bác sĩ Tú Dung cho rằng, theo thông tin từ đài truyền hình CNN (Hoa Kỳ) thì túi ngực PIP sử dụng silicon công nghiệp giá rẻ, rẻ gấp 7 lần so với với loại silicon hãng đã đăng ký với cơ quan kiểm định chất lượng. Chất này có tính ăn mòn cao nên dễ gây thấm nứt, khi lan ra ngoài có thể gây rát, viêm nhiễm, làm ảnh hưởng cả về sức khỏe lẫn thẩm mỹ của bệnh nhân. Túi ngực này có tỷ lệ vỡ cao hơn bình thường, khi vỡ có thể gây viêm, sẹo và xơ hóa.

"Từ tháng 3-2010, túi ngực PIP đã bị cấm nhập khẩu và thu hồi khỏi thị trường. Ở Việt Nam cũng chưa bao giờ cho phép nhập khẩu túi ngực này. Do đó, sản phẩm này nếu có ở thị trường thì chỉ có thể là hàng ‘lậu” trôi nổi”, bác sỹ Tú Dung khẳng định.

Bác sỹ Tú Dung cảnh báo, đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra biến chứng nguy hiểm do nâng ngực bằng túi ngực PIP kém chất lượng. Hiện vẫn còn một số cơ sở thẩm mỹ nhập “chui” nguồn hàng này với mức giá rẻ. Vẫn có rất đông chị em phụ nữ tin lời dụ dỗ của thẩm mỹ viện, nâng ngực bằng túi ngực lậu và phải gánh chịu những hậu quả kinh hoàng.

Phong Châu

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.