Trường top công bố điểm sàn thấp nhưng điểm chuẩn sẽ là khoảng cách rất xa?

Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, ĐH Hà Nội… vừa công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cho phương thức kết hợp và phương thức dựa trên kết quả thi THPT năm 2020.

Tuy nhiên, các thí sinh nên hết sức lưu ý để tránh nhầm lẫn giữa điểm sản xét tuyển và điểm chuẩn. Vì khoảng cách giữa hai mức điểm này sẽ rất xa. Trong khi điểm chuẩn mới là mức quyết định để biết thí sinh có trúng tuyển hay không.

Điểm chuẩn trúng tuyển của ĐH Ngoại thương luôn nằm trong top cao

Theo đó, điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đối với 2 môn thi xét theo phương thức 3 - xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 (bao gồm các tổ hợp môn Toán – Lý, Toán – Hóa, Toán – Văn) đối với chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại là 18 điểm.

Đối với các chương trình tiên tiến khác và chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh là 17; đối với chương trình ngôn ngữ thương mại là 16,5 (các chương trình ngôn ngữ thương mại chỉ xét tổ hợp 2 môn Toán – Văn).

Điểm sàn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức 4 - xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo các tổ hợp môn là 23 điểm đối với tất cả các chương trình giảng dạy tại trụ sở chính Hà Nội và Cơ sở 2 – TP HCM; đối với các chương trình giảng dạy tại cơ sở Quảng Ninh, điểm sàn là 18 điểm.

Đến thời điểm này trường đã hoàn thành việc xét tuyển 50% chỉ tiêu theo các phương thức 1 và 2 (phương thức dành cho thí sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thí sinh các trường chuyên, thí sinh có chứng chỉ quốc tế).

Được biết, tổng chỉ tiêu của trường ĐH Ngoại thương năm 2020 là 3.990 chỉ tiêu cho 30 chương trình học, trong đó 50% là các chương trình tiên tiến, chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh và các ngoại ngữ khác. Với 50% số chỉ tiêu còn lại dành cho phương thức 3 và 4, thí sinh tính toán từ thực tế điểm thi của mình để đưa ra quyết định phù hợp.

Tuy nhiên, đây là mức điểm sàn, còn mức điểm chuẩn trúng tuyển của ĐH Ngoại thương luôn nằm trong top cao nhất cả nước. Năm 2019, nhóm ngành Kinh tế và Quản trị kinh doanh của trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP HCM có điểm trúng tuyển tổ hợp A00 cao nhất là 26,40.

Tại cơ sở Hà Nội, nhóm ngành Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh có điểm chuẩn cao nhất là 26,25. Năm học này, với điểm thi khá cao, nhiều khả năng điểm chuẩn của trường sẽ tăng cao hơn nữa.

truong top cong bo diem san thap nhung diem chuan se la khoang cach rat xa
Thí sinh không nên nhầm lẫn giữa điểm sàn xét tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển, cần cập nhật thông tin của trường mình nộp nguyện vọng đầu tiên để có quyết định chính xác. (Ảnh: Khánh Huy)

Điểm chuẩn vào một trường ĐH cần rất nhiều thông số

Trường ĐH Hà Nội thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn xét tuyển) ĐH hệ chính quy năm 2020 là tổng điểm 3 môn thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ hoặc Toán, Vật lý, tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 từ 16 điểm trở lên (theo thang điểm 10, chưa nhân hệ số). Như vậy, thí sinh phải đạt từ 16 điểm trở lên với điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 mới được quyền đăng ký vào trường.

Năm 2020, ĐH Hà Nội tăng thêm 150 chỉ tiêu tuyển sinh cho 1 chương trình cử nhân mới là: Nghiên cứu phát triển (dạy-học hoàn toàn bằng tiếng Anh) và 2 chương trình đào tạo chất lượng cao: Công nghệ thông tin và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Nhà trường đang đào tạo 11 ngành ngôn ngữ; 9 ngành dạy-học hoàn toàn bằng tiếng Anh (Quản trị kinh doanh, Quản trị Dịch vụ du lịch và lữ hành, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Marketing, Quốc tế học, Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện, Nghiên cứu phát triển) và 1 ngành dạy-học hoàn toàn bằng tiếng Pháp (Truyền thông DN).

Học viện Ngân hàng xác định chung một ngưỡng đảm bảo chất lượng cho các phương thức xét tuyển là 19 điểm (bao gồm tổng điểm thi THPT 2020 của 3 môn thi thuộc tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký và điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng). Được biết, năm nay Học viện Ngân hàng dành ít nhất 70% chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển này.

Tuy nhiên, các thí sinh cũng cần lưu ý để tránh nhầm lẫn. Điểm sàn xét tuyển đầu vào - hay còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào - điểm xét tuyển đầu vào là mức điểm cơ sở để thí sinh biết mình có đủ điều kiện nộp hồ sơ vào trường hay không.

Điểm xét tuyển không phải điểm trúng tuyển. Dựa vào mức điểm xét tuyển của các trường công bố, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng phù hợp hơn với điểm thi của mình. Điểm chuẩn mới là thông số quyết định, nên thí sinh cần lưu ý link cập nhật danh sách của trường để quyết định xem có nên chuyển nguyện vọng hay không.

TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, để có thể đưa ra dự báo về điểm chuẩn vào một trường ĐH cần rất nhiều thông số và phải dựa trên phân tích khoa học. Cụ thể, điểm chuẩn phụ thuộc vào số lượng, chất lượng thí sinh đăng ký vào ngành và chỉ tiêu của ngành.

Ngoài chỉ tiêu, số lượng và chất lượng của thí sinh là những biến số mà bất kỳ trường ĐH nào cũng mong muốn có thể kiểm soát để đảm bảo tính ổn định và phát triển. Năm 2020, phổ điểm thi và phổ điểm các tổ hợp có cao hơn năm ngoái. Thí sinh và phụ huynh cần tham khảo điểm chuẩn trong 3 năm gần nhất để có được quyết định cuối cùng.

Nam Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.