Góp ý Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII Đảng bộ TP Hà Nội:

Cần bổ sung nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách Tư pháp

Góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng, Tiểu ban Văn kiện cần nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp vào Mục II. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 5 năm 2020-2025.

Nhiệm vụ cải cách tư pháp theo đó tập trung vào các hoạt động trọng tâm như: “Xây dựng các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ. Phát triển dịch vụ pháp lý và các thiết chế bổ trợ tư pháp. Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự”.

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, cải cách tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy Nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới.

Về khâu đột phá: “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế” (điểm 2, mục 4.2. Các khâu độ phá, trang 42), Sở Tư pháp góp ý, Tiểu ban Văn kiện cần nghiên cứu xem xét bổ sung nội dung “tăng cường công tác tổ chức thi hành phá́p luật trên địa bàn TP” để phù hợp với Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 trình Đại hội XIII của Đảng.

can bo sung nhiem vu tiep tuc day manh cai cach tu phap
Đại hội Đảng bộ cơ quan Sở Tư pháp Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhận được nhiều ý kiến tham gia góp ý rất tâm huyết và trách nhiệm của các đồng chí đảng viên đối với các dự thảo văn kiện. Ảnh: Khánh Huy

Về những nội dung tại Mục II. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 5 năm 2020-2025, Dự thảo Báo cáo tại Mục 11.2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của UBND và cơ quan hành chính các cấp (trang 63) có nội dung: “Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thể chế (tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền)…”. Sở Tư pháp đề nghị xem xét bỏ nội dung trong ngoặc đơn: (tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền).

Theo phân tích của Sở Tư pháp, nhiệm vụ cải cách thể chế là nhiệm vụ chính trị quan trọng của bộ máy Nhà nước, có nội hàm rộng, trong đó tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền chỉ là một yêu cầu trong việc hoàn thiện thể chế về tổ chức, hoạt động của các cơ quan Nhà nước thuộc nhiệm vụ cải cách thể chế. Mặt khác, các nội dung về phân cấp, ủy quyền đã được nêu cụ thể ở đoạn dưới của mục 11.2.

Sở Tư pháp cũng đề nghị xem xét bổ sung nội dung: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn TP. Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và DN”. Theo Sở Tư pháp, đây là nội dung do Bộ Tư pháp góp ý, đã được Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII tiếp thu và cũng là yêu cầu bức thiết hiện nay trong việc phát triển kinh tế-xã hội bền vững và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Đối với mục tiêu “Cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 100%” (tại mục 6.3, trang 56), Sở Tư pháp đề nghị cần xác định tỷ lệ phù hợp. Vì hiện nay, mặc dù việc hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu cơ bản, dịch vụ về thanh toán điện tử của TP có thể đảm bảo điều kiện kỹ thuật để cung cấp dịch vụ công mức độ 4. Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính còn có nhiều quy định chưa phù hợp với việc triển khai dịch vụ công mức độ 4. Do đó, việc đặt ra mục tiêu đạt 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của TP phụ thuộc nhiều vào việc hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính do các cơ quan Trung ương chủ trì.

Thanh Hải

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.