Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội

Hòa giải, đối thoại tại tòa án tạo ra một cơ chế mới hữu hiệu giải quyết các tranh chấp

Qua nghiên cứu dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, tôi thấy văn kiện co s nội dung cụ thể, bám sát thực tế...

Liên quan đến lĩnh vực công tác, tôi chỉ xin bổ sung một số ý kiến sau:

Thứ nhất, ngành Toà án Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác cải cách tư pháp. Theo yêu cầu Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong bộ máy Nhà nước ta, TAND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng.

Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.

Việc tranh tụng tại phiên tòa tiếp tục được chú trọng theo hướng thực chất, hiệu quả. Các tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình.

hoa giai doi thoai tai toa an tao ra mot co che moi huu hieu giai quyet cac tranh chap
Đảng viên Nguyễn Hồng Phong.

Bên cạnh đó là việc tập trung nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xét xử, giải quyết các loại án; thực hiện việc công khai các bản án nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của các thẩm phán, bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng pháp luật cũng như tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động xét xử của tòa án.

Trên cơ sở kết quả tranh tụng, HĐXX đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ. Có thế thấy, cải cách tư pháp còn giúp người dân tiếp cận gần hơn, nhanh hơn, thuận lợi hơn với việc xây dựng khung hành chính tư pháp.

Thứ 2, về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tôi thấy rằng, việc thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án tạo ra một cơ chế mới hữu hiệu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện và thực tiễn áp dụng cho thấy đây là mô hình cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Như vậy, sự ra đời của các Trung tâm hòa giải là rất tốt. Nếu hòa giải thành công sẽ giảm chi phí cho người dân. Các thẩm phán của đơn vị cũng thực hiện trách nhiệm hòa giải với các vụ án. Từ đó, tỷ lệ hòa giải thành đạt hơn 50% các vụ án xét xử, giảm án phí thi hành án.

Hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp phát sinh, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

(Đảng viên Nguyễn Hồng Phong, TAND huyện Quốc Oai, Hà Nội)

Đỗ Phương (ghi)

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.