Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội

Quan tâm đến người lao động trong các đơn vị sự nghiệp

Việc góp ý cho Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục nhận được ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Công dân trẻ Phan Thanh Hiền (tổ 14B, Phường Yên Nghĩa, Quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã có góp ý về vấn đề sử dụng người lao động trên địa bàn Thủ đô.     

Tôi có nghiên cứu về Dự thảo văn kiện ĐH đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, phải nói rằng, chất lượng nội dung, hình thức bản Dự thảo Báo cáo chính trị rất công phu, khoa học. Báo cáo rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. Các chỉ số, các kết quả đạt được trong nhiệm kỳ trước đều được thể hiện rõ ràng.

Nhưng với cá nhân mình, đóng góp vào phương hướng nhiệm kỳ tới, tôi xin được nêu vài điểm.

Thứ nhất, ở cương vị một người mới tốt nghiệp ĐH, ra trường đi làm được hai năm, đã gửi hồ sơ xin việc, thi dự tuyển ở nhiều vị trí khác nhau. Tôi cho rằng, TP nên có quy định rõ ràng hơn đối với người lao động, cũng như tuyển dụng công chức, viên chức trong các đơn vị hành chính sự nghiệp

Trong bối cảnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức vừa được chính thức công bố. Trong đó, có nhiều quy định mới liên quan đến tuyển dụng, xếp loại, tác động mạnh mẽ liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật lần này được đánh giá là có tác động mạnh mẽ tới đội ngũ viên chức là quy định chấm dứt chế độ biên chế suốt đời với viên chức. Cụ thể, Luật quy định viên chức vẫn thực hiện hai loại hợp đồng là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn, còn gọi là chế độ biên chế suốt đời của viên chức, sẽ không còn được áp dụng với các đối tượng mới được tuyển dụng từ ngày 1-7-2020, trừ cán bộ, công chức chuyển thành viên chức và người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

quan tam den nguoi lao dong trong cac don vi su nghiep
Công dân trẻ Phan Thanh Hiền (tổ 14B, Phường Yên Nghĩa, Quận Hà Đông, TP Hà Nội) góp ý về vấn đề sử dụng người lao động của Thủ đô (Ảnh: T.F)

Vì thế tôi cho rằng, sử dụng lao động, tuyển dụng lao động của TP cũng cần có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới. Chúng tôi thường nói với nhau rằng: Viên chức vào dễ ra khó. Với sự phát triển của Thủ đô, tôi cho rằng việc sử dụng lao động thời gian tới chắc chắn cần “người thực, việc thực”, làm được việc hơn là những tác động khác. Việc mở rộng đối tượng dự tuyển công chức, hay người lao động căn cứ vào từng vị trí phù hợp cũng chính là cơ hội cho chúng tôi – những người trẻ muốn cống hiến cho sự phát triển của Thủ đô nhưng vẫn có lúc phải loay hoay vì cơ chế tuyển sụng một số nơi khó khăn.

Thứ hai, tôi được biết nhiều năm qua TP có cơ chế tuyển dụng Thủ khoa các trường ĐH vào các đơn vị sự nghiệp của TP. Vậy kết quả, đánh giá việc sử dụng nhân tài từ nguồn Thủ khoa này đến đâu. Mỗi năm có hàng trăm thủ khoa tốt nghiệp các trường ĐH, bao nhiêu người đã vào các vị trí phù hợp tại các đơn vị của TP, và họ có được những hỗ trợ, ưu đãi gì không trong công việc.

Đánh giá này tôi cho là cần thiết để làm rõ hơn vấn đề “thu hút hiền tài” của Thủ đô, từ đó đề xuất các phương hướng hợp lý cho nhiệm kỳ tới trong việc sử dụng lao động, thu hút người tài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

T.Fan (ghi)

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.