Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội

Nên để các bệnh viện mạnh dạn xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các bệnh viện

Báo cáo chính trị được chuẩn bị kỹ, công phu, kết cấu hợp lý, nội dung sát với thực tế, chất lượng tốt. Tuy nhiên, về ngành y tế của Thủ đô, cũng cần nên rõ ràng và có một hành lang pháp lý rõ ràng, thông thoáng trong việc xã hội hóa y tế. Thạc sỹ, bác sỹ Tạ Quang Thành, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Bắc Thăng Long nêu ý kiến.    

Theo bác sỹ Thành, dự thảo đã nêu rõ và rất sát về ngành y tế Thủ đô trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong những năm qua, chất lượng khám, điều trị bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực. Thành phố đã chú trọng đầu tư nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; nâng cao y đức và thái độ phục vụ bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế Thủ đô.

Thành phố cũng đã triển khai mô hình nâng cao chất lượng hoạt động của Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh công tác lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Công tác quản lý y, dược, y tế dự phòng tiếp tục được tăng cường và từng bước đổi mới. Công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 được thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

nen de cac benh vien manh dan xa hoi hoa giao quyen tu chu cho cac benh vien
Thạc sỹ, bác sỹ Tạ Quang Thành, Bệnh viện Bắc Thăng Long

Tuy nhiên, trong mục 7.1, của chương II: Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020 – 2025, cần làm rõ hơn về một vấn đề khá bức thiết về y tế Thủ đô.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, trong đó đã có các chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế, cho phép hợp tác công tư để khuyến khích phát triển y tế tư nhân, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân. Sự “cởi trói” đó đã đem lại hiệu quả rất tích cực trong sự phát triển y tế tư nhân. Điều đó thể hiện rất rõ, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã đầu tư xây dựng bệnh viện, bước đầu hình thành một số tập đoàn bệnh viện, y tế tư nhân phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô.

Trong khi đó xã hội hóa trong các bệnh viện công lại gặp nhiều rào cản, dẫn đến hầu hết việc xã hội hóa trong nhiều bệnh viện công còn nửa vời.

Các bệnh viện công lập, với nhiệm vụ là cứu người, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn phải thực hiện theo cơ chế thị trường để có thể nuôi sống được mình, thu hút, bồi dưỡng nhân tài và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Đứng trước hai “mệnh đề” trên, nhiều bệnh viện công đang gồng mình để có thể kiểm soát và tạo thế cân bằng giữa hai yếu tố. Tuy nhiên đó là việc vô cùng khó khăn, vì không phải lúc nào hai yếu tố đó cũng song hành lẫn nhau. Cộng với việc, chưa bao giờ đánh giá của xã hội về y tế hết khắt khe, người bệnh không hiểu hết về xã hội hóa nên sẽ có sự so sánh giữa số tiền phải trả cho dịch vụ công và dịch vụ tự nguyện, tức là sử dụng các dịch vụ từ nguồn xã hội hóa. Sự không phân định được hai nguồn này khiến người bệnh bức xúc, thậm chí có những phản ánh thái quá.

Những khó khăn trên khiến một số bệnh viện đang giữ "thái độ” an toàn trong công tác xã hội hóa. Trong khi đó, để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ không thể chỉ trông chờ vào nguồn lực Nhà nước. Xã hội hóa để thu hút tối đa nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cho lĩnh vực quan trọng này là việc tất yếu phải làm.

Vậy để làm được điều đó, ngoài việc tư duy của mỗi lãnh đạo của bệnh viện phải thay đổi, phải khác thì những rào cản trong thực hiện xã hội hóa y tế phải sớm được tháo gỡ. Trong vấn đề này, Dự thảo nên quy định hoặc có một hành lang pháp lý cụ thể và rõ ràng hơn.

Nên chăng, thành phố nên để các bệnh viện mạnh dạn xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các bệnh viện theo nguyên tắc xã hội hóa đến đâu, giao tự chủ đến mức độ nào thì phải gắn với thẩm quyền, cơ chế giải trình và chịu trách nhiệm đến đó. Trong trường hợp bệnh viện nào có thể tự chủ được hoàn toàn thì dứt khoát cơ chế hoạt động phải khác, đặc biệt là cơ chế về tài chính, nhân sự...

UBND thành phố tiếp tục khuyến khích các bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa mua sắm trang, thiết bị y tế theo Nghị quyết 93/NQ-CP đồng thời cần có cơ chế đầu tư đặc thù đối với bệnh viện, rất cần sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của từng đơn vị, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.

Minh Dương (ghi)

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.