Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội

Đổi mới công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao

Giảng viên Phan Văn Kiền, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội có những ý kiến tâm huyết về vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đóng góp vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội.     

Trước tiên, tôi cho rằng: Dự thảo văn kiện đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội thể hiện sự công phu, kỹ lưỡng của ban soạn thảo. Dự thảo văn kiện có cách nhìn bao quát, sát với thực tiễn của Thủ đô.

Cá nhân tôi, xin được nêu những góp ý về việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô.

Thứ nhất, ở phần đánh giá, trang 8: “Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm đầu tư, đạt kết quả quan trọng” còn khá sơ sài. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nhiệm kỳ qua ra sao, cần có sự so sánh, đánh giá với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ lao động tay nghề cao với công việc ổn định hiện nay ra sao. Đánh giá về sự phát triển của đội ngũ những nhà làm khoa học, tri thức…

Thứ 2: Về chất lượng nguồn nhân lực mục 5 (trang 54), đây là lợi thế lớn nhất của Thủ đô song phải làm rõ tận dụng lợi thế này như thế nào? Cùng đó, TP nên xây dựng chiến lược, kế hoạch tổ chức đào tạo và đào tạo lại theo nhu cầu của thị trường lao động quốc tế.

doi moi cong tac nhan su dac biet la nhan su chat luong cao

Giảng viên Phan Văn Kiền, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội

Theo tôi, trong nhiệm kỳ tới, Hà Nội phải tiếp tục đổi mới công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao. Vấn đề con người là vấn đề quyết định sự phát triển nhiều yếu tố khác của một đơn vị. Ở Hà Nội, công tác nhân sự vốn vẫn được quan tâm nhưng tôi có cảm giác TP đang có một thực trạng là: Chúng ta đang đo đếm nhân sự thông qua bằng cấp và học vị nhiều hơn là năng lực thực tế và kinh nghiệm thực tiễn. Với sự mở rộng về quy mô và loại hình giáo dục đào tạo như hiện nay, việc có được bằng cấp, học vị ở bậc cao không phải là điều quá khó. Tuy nhiên, để có thể có nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự, ngoài việc kiểm đếm bằng cấp, tôi nghĩ, thực tiễn công tác và kinh nghiệm từng trải quan trọng hơn. Hiển nhiên, việc đánh giá ban đầu không thể không sử dụng bằng cấp như một tiêu chí, nhưng tôi nghĩ cần có thời gian thử thách và sàng lọc một cách khắt khe hơn nữa để thực sự giữ lại được những người đủ tài, đủ đức.

Một vấn đề song hành cùng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chính sách đối với đối tượng này. Đừng để chính sách này trở thành một cái đích đến của những người chỉ có bằng cấp mà không có thực tài. Một thực tế cho thấy là hiện nay lĩnh vực nhà nước liên tục bị chảy máu chất xám và không giữ được người thực tài. Đành rằng cần cả người tâm huyết, gắn bó, nhưng cũng không thể cứ đưa tâm huyết và tình yêu ra khỏa lấp hết mọi nhu cầu vật chất khác.

Tôi nghĩ TP cần thực hiện song hành cả hai việc với công tác nhân sự: Sàng lọc khắt khe hơn, thực chất hơn và sau khi sàng lọc thì có chính sách ưu tiên đặc biệt hơn nữa cho các đối tượng này. Như vậy mới mong thực sự có được “nguyên khí” cho sự phát triển của Thủ đô trong hiện tại và tương lai.

T.Fan

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.