Nguy cơ bến dạng biệt thự cũ - kỳ 4

Biệt thự cũ và những câu chuyện về giá trị của văn hóa, lịch sử và kiến trúc

Biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 là phần không thể thiếu, như một nốt nhạc trong bản hoà ca ca ngợi nét đẹp cổ kính, rêu phong, thăng trầm nhưng cũng đầy lãng mạn của Hà Nội. Trong con mắt của người yêu Hà Nội, những kiến trúc sư, không ít du khách... từng góc phố, từng đường nét tinh tế của những biệt thự cũ chẳng khác nào bộ phận không thể thiếu được trong cơ thể Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đa dạng biệt thự cổ

Trong câu chuyện kể của mình, Ths.KTS. Trần Quốc Bảo, Giảng viên chính khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng và cũng là thành viên Nhóm nghiên cứu kiến trúc Hà Nội cận đại (GRAH) đã cho người đọc thấy biệt thự cũ nằm nơi những con phố nhỏ của Hà Nội chỉ là tên gọi chung. Nếu phân ra theo từng loại, biệt thự cũ được gắn với những tên gọi rất cụ thể như: Tân cổ điển, biệt thự phong cách Địa phương Pháp, biệt thự phong cách miền Bắc, Trung, Nam nước Pháp, biệt thự trào lưu hiện đại Art Deco...

Biệt thự Tân cổ điển kiểu đế chế đặc trưng bởi hình khối kiến trúc kiểu phức hợp với nhiều khối đa diện. Vẻ hoành tráng của biệt thự loại này còn được nhân lên bởi sự giàu có về mặt trang trí và sự phong phú của các hoạ tiết. Đại diện lớn nhất của thể loại này là biệt thự Schneider trong khuôn viên trường Chu Văn An có thể so sánh với những biệt thự đẹp nhất vùng Torino, Italia nửa cuối thế kỉ 19.

Tiếp nối trào lưu Tân cổ điển là các biệt thự phong cách Địa phương Pháp với xu hướng đưa phong cách kiến trúc các vùng miền khác nhau của nước Pháp vào trong thiết kế thể hiện rõ nhất ở hình thức mái, hệ công xon (console) cùng các hoạ tiết trang trí phong phú về thể loại. Cuối những năm 1920, một trào lưu hoàn toàn mới đã xâm nhập vào kiến trúc biệt thự Hà Nội, trào lưu hiện đại Art Deco. Biệt thự Art Deco thường sử dụng các khối hình vuông hoặc chữ nhật cho các không gian ở kết hợp với khối hình bán nguyệt là nơi bố trí lồng cầu thang tạo thành một hình thức kiến trúc hiện đại và giản dị. Ngôn ngữ trang trí chủ đạo của biệt thự Art Deco là sử dụng các đường cong nhằm làm bớt đi vẻ thô nặng của các khối hình hộp.

Biệt thự cũ và những câu chuyện về giá trị của văn hóa, lịch sử và kiến trúc

Bằng giá trị của lịch sử, kiến trúc, văn hóa..., biệt thự cũ góp phần không nhỏ làm nên vẻ đẹp thơ mộng của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: X.D

Tới cuối những năm 1930, một số biệt thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc Đông Dương, một phong cách đã hình thành từ trước đó ở các công trình công cộng. Đặc trưng của loại biệt thự này là mặt bằng không gian được thiết kế theo công năng hiện đại kiểu Châu Âu nhưng hình thức kiến trúc lại mang đậm màu sắc Á Đông. Mái nhà lợp ngói, các góc mái uốn cong lên và kết thúc bởi đầu đao theo kiểu kiến trúc cổ truyền Việt Nam...

Một bộ phận không thể thiếu trong di sản kiến trúc Thủ đô

Biệt thự Pháp ở Hà Nội rất phong phú về thể loại, đa dạng về ngôn ngữ kiến trúc và đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong di sản kiến trúc Thủ đô. Giá trị của các công trình biệt thự Pháp không chỉ đơn thuần về mặt kiến trúc mà còn về các mặt lịch sử, văn hoá. Theo TS.KTS Trần Minh Tùng, Phó trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng, các công trình kiến trúc Pháp, với vai trò là những yếu tố tạo thị đã đóng góp nhiều giá trị cho các đô thị Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Khi xây dựng các công trình kiến trúc Pháp tại Việt Nam, bên cạnh các đường nét, hoa văn, họa tiết đậm chất Pháp, người Pháp còn xem xét các yếu tố kiến trúc và thẩm mỹ phương Đông để tạo ra sự hài hòa với bối cảnh. Chính sự kết hợp này là tiền đề của dòng Kiến trúc Đông Dương.

Dựa vào những dự án nghiên cứu khoa học chuyên sâu, các công trình kiến trúc Pháp được nhóm của TS.KTS Trần Minh Tùng chia thành 2 loại. Loại thứ nhất, các công trình công cộng, ở Hà Nội chúng rất nổi tiếng, chẳng hạn như Phủ Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Nhà hát lớn, Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ),... Loại thứ hai là nhà ở hoặc biệt thự Pháp. Nếu các biệt thự Pháp được xếp hạng, trở thành di sản thực sự, được gọi là di tích lịch sử - văn hóa thì sẽ được chi phối và bảo vệ theo Luật Di sản Văn hóa. Tuy nhiên, nếu không được đưa vào danh sách thì sẽ được “đối xử” như một công trình xây dựng, một bất động sản thông thường.

Không chỉ bởi chính quyền đô thị chậm trễ và phân vân trong việc xác định giá trị và xếp hạng một số lượng lớn, dẫn đến sự xuống cấp của các biệt thự. Đôi lúc, chính người dân cũng không muốn đưa biệt thự của mình vào danh sách di sản, bởi việc sửa chữa, cải tạo theo ý họ mong muốn càng trở nên khó khăn. Cách đây vài năm, nhóm của TS.KTS Trần Minh Tùng đi khảo sát và thấy một căn biệt thự Pháp rất đẹp và có giá trị di sản rất cao. Từ đó, nhóm đề xuất đưa căn biệt thự này lên phân hạng di sản cao nhất. Mấy ngày hôm sau, các thành viên trong nhóm trở lại thì đã thấy căn biệt thự bị gấp rút đập bỏ. Tức là, chủ sở hữu cố tình phá hủy để buộc chính quyền vào “thế đã rồi”, cho phép xây dựng lại nhằm khai thác giá trị bất động sản.

Hà Nội hiện có gần 1.000 biệt thự thuộc diện nhà nước quản lý, trong số này chiếm tới 80% bị biến dạng do bị con người cơi nới, lấn chiếm... Để đưa ra được một khung tiêu chí thống nhất giúp nhận biết thế nào là một biệt thự có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa… nhằm tìm ra được một giải pháp hợp lý cho công tác quản lý, bảo tồn, bán hay không bán… vẫn đang là một ẩn số.

Trong một cuộc hội thảo về bảo tồn biệt thự cổ do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức vào tháng 9-2009, PGS Đặng Thái Hòa (Bộ Xây dựng) nhận định, tình trạng bán, phá biệt thự cổ để xây nhà cao tầng đang có chiều hướng gia tăng. Những ngôi biệt thự có giá trị lịch sử như biệt thự Nguyễn Khánh Toàn, biệt thự Trần Duy Hưng, biệt thự Nguyễn Văn Huyên hay biệt thự tại Bệnh viện 108, Việt Xô… cũng đều đã bị bán. Hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến đã được tổ chức, song rốt cuộc vẫn dừng lại ở hội họp. Năm 2013, Hà Nội đã có những quy định cụ thể trong quản lý biệt thự có tuổi đời trước năm 1954. Thế nhưng, ngay cả khi đã có bộ tiểu chí quản lý cụ thể thì hàng chục biệt thự vẫn bị biến dạng, lấn chiếm, cơi nới bởi bàn tay con người cũng như sự lỏng lẻo trong quản lý của cả hệ thống chính quyền từ phường tới quận.

Cho dù có biến đổi theo thời gian, ta vẫn không thể phủ nhận vai trò của biệt thự cũ góp phân làm nên vẻ đẹp của Hà Nội. Trong số này phải kể tên những toà nhà công cộng nguy nga như Phủ Toàn quyền, Dinh Thống xứ, Toà án, Nhà hát lớn, Ngân hàng Đông Dương, Bảo Tàng Louis Finot,… đến những ngôi biệt thự cổ xinh xắn núp bóng dưới những hàng cây. Di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội thật phong phú về qui mô, thể loại cũng như phong cách, mà không một thành phố nào ở Đông Nam Á có thể sánh được.

(Còn nữa)

Nguy cơ biến dạng biệt thự cũ - Kỳ 2: Hàng chục biệt thự trong danh mục quản lý vẫn bị phá dỡ

Phóng sự của Khắc Hạnh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.