Tiếp tục cải thiện chính sách thuế, hải quan

Có thể nói, thời gian qua ngành thuế và hải quan đã có những cải cách mạnh mẽ được cộng đồng DN đánh giá tích cực. Cùng với sự phát triển trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 việc tiếp tục cải thiện chính sách thuế, hải quan được đánh giá là điều kiện quan trọng để ngành thuế, hải quản tiếp tục phát triển có những đóng góp tích cực cho xã hội.

Tính đến tháng 10-2019, đã có trên 99% DN tham gia khai thuế điện tử, ngành thuế đã phối hợp với 52 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với trên 99% DN tham gia. Việc hoàn thuế điện tử cũng được trên 93% số DN hoàn thuế tham gia. Cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý thuế, quản lý hải quan.

Theo đó, 99,87% DN kê khai thuế điện tử; 99,53% DN nộp thuế điện tử, 93,61% DN hoàn thuế điện tử; có 133/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 (cuối năm 2019 sẽ lên 188/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4). Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai ở 100% các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan. Cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã thực hiện đồng bộ, thông suốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, người khai hải quan.

tiep tuc cai thien chinh sach thue hai quan
Tiếp tục cải thiện chính sách thuế, hải quan là yêu cầu bức thiết đặt ra trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế mới; trong đó có nhiều nội dung về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cả về thuế cũng như hải quan. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 quy định về hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 68 (ngày 30-9-2019) hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử; đó là cơ sở quan trọng để cải cách trong việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ. Trong lĩnh vực hải quan, đã ban hành mới và sửa đổi 7 thông tư; tham mưu ban hành nghị định quy định thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành làm cơ sở pháp lý quan trọng trong đột phá về cải cách hiện đại hóa hải quan.

Tại Hội nghị đối thoại năm 2019 về chính sách và thủ tục hành chính thuế và hải quan được tổ chức vừa qua, đại diện Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã ghi nhận và giải đáp ngay tại hội nghị các ý kiến đóng góp, kiến nghị của DN liên quan đến các vấn đề về thuế và hải quan. Cụ thể như: Quy định hoàn thuế giá trị gia tăng, ưu đãi thuế, giá tính thuế tài nguyên, tính thuế thu nhập cá nhân cho các khoản thưởng, khuyến mãi, vấn đề hoàn thuế đầu tư, thuế xuất khẩu, hoàn thuế cho các khoản DN thuê gia công bên ngoài làm hàng xuất khẩu, việc xác định phân loại hàng hóa, hàng mẫu, kiểm tra chuyên ngành...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của DN, song với thực tiễn đa dạng, sôi động và đổi mới nhanh chóng như hiện nay, cùng với đòi hỏi chính sách và thủ tục hành chính về thuế, hải quan phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế, thì việc áp dụng các quy định của chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan vào thực tiễn không tránh khỏi phát sinh vướng mắc, khó khăn.

Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan, chú trọng hiện đại hóa công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước. Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương; Bộ Tài chính mong muốn DN chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đồng thời tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.

Thái Yên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.