Người không được công chứng, chứng thực di chúc

Hỏi: Gia đình tôi muốn chứng thực di chúc tại địa phương nên muốn được hỏi, những người nào sẽ không được công chứng, chứng thực di chúc theo quy định của pháp luật? Đặng Hoàng Giang (quận Đống Đa, Hà Nội)
nguoi khong duoc cong chung chung thuc di chuc

Trả lời:

Điều 624 Bộ luật dân sự quy định về di chúc như sau: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của UBND xã, phường, thị trấn là những người đại diện cho các cơ quan trong việc chứng nhận, chứng thực di chúc nhằm xác nhận một di chúc là do chính người để lại tài sản tự nguyện lập ra trong trạng thái tinh thần minh mẫn sáng suốt. Vì vậy, để đảm bảo khách quan và trung thực trong việc chứng nhận, chứng thực di chúc thì người chứng nhận, chứng thực di chúc phải là người không liên quan đến việc hưởng di sản hoặc đến người thừa kế của người lập di chúc. Do đó, Điều 637 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

Công chứng viên, người có thẩm quyền của UBND cấp xã không được công chứng, chứng thực di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
- Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

Tóm lại việc chứng nhận, chứng thực di chúc nhằm tạo cơ sở pháp lý để ghi nhận một sự kiện thực tế thì làm chứng trong di chúc cũng là việc nhằm góp phần nâng cao tính khách quan của di chúc.

Bản Sa

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.