Xây dựng văn hóa học đường: Nhân lên những hành động đẹp trong môi trường giáo dục

Trong phát biểu khai giảng năm học mới năm 2019-2020 tại trường THPT Sơn Tây, Hà Nội, Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắn gửi thầy và trò cả nước: “Con người phải có đức, có tài mới đóng góp được cho đất nước, cho gia đình ấm no, hạnh phúc. Dạy chữ đã quan trọng rồi, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn trong thời kỳ chúng ta hội nhập sâu rộng”. Để dạy người, chúng ta cần những môi trường giáo dục thực sự văn hóa, nhiều hành động đẹp.

Áp dụng bộ quy tắc ứng xử trong trường học từ tháng 10-2019

Năm học 2019-2020 cũng là năm học đầu tiên Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT quy định quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên do Bộ GD&ĐT ban hành chính thức có hiệu lực.

Ông Bùi Văn Linh- Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên do Bộ GD&ĐT ban hành quy định về hành vi, trang phục, ngôn ngữ cho tất cả những người liên quan đến môi trường học đường, từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh.

Ví dụ, về ngôn ngữ phải bảo đảm sự thân thiện và phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Đối với thầy cô giáo phải kính trọng. Trang phục của học sinh sạch sẽ và gọn gàng, phù hợp với hoạt động giáo dục mà học sinh tham gia.

Bộ GD&ĐT sẽ ban hành một bộ Quy tắc khung để trên cơ sở đó tất cả các cơ sở giáo dục cụ thể hóa thành những nội dung phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa tại các vùng miền. Trong quá trình triển khai, các nhà trường sẽ nghiên cứu và lấy ý kiến rộng rãi đối với tất cả các chủ thể liên quan và được sự đồng thuận của đa số. Đến tháng 10-2019, tất cả các cơ sở giáo dục phải hình thành và đưa vào thực tiễn bộ Quy tắc ứng xử trong trường học.

Thực tế là hiện nay trong các trường học đều có bảng nội quy, các quy định chung yêu cầu mọi cán bộ giáo viên, học sinh trong trường phải tuân theo. Trong đó, có đề cập đến một số các quy tắc ứng xử của giáo viên, cán bộ nhà trường và học sinh, chưa họăc đề cập rất ít tới cách ứng xử của phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, những bộ quy tắc ứng xử chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Nhiều hành vi được thực hiện trong trường không tuân theo những bộ quy tắc ứng xử đó.

Ông Bùi Văn Linh cho rằng, trong thông tư hướng dẫn thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học không đặt nặng đến các chế tài. Tuy nhiên, điều đó đã được quy định cụ thể trong các văn bản khác, ví dụ: Điều lệ, quy chế hoạt động của nhà trường và các điều chỉnh hành vi của pháp luật. Bên cạnh đó, việc thực hiện bộ Quy tắc ứng xử cũng sẽ được đưa vào tiêu chí thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân trong nhà trường để khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực thực hiện. Việc áp dụng bộ Quy tắc ứng xử này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo dựng môi trường văn hóa học đường, hạn chế chệch chuẩn, để môi trường giáo dục thực sự là môi trường văn hóa, ở đó, người lớn nêu gương, còn trẻ em được dạy cả kiến thức, cả đạo đức để thành công dân tốt.

xay dung van hoa hoc duong nhan len nhung hanh dong dep trong moi truong giao duc
Để dạy người, chúng ta cần những môi trường giáo dục thực sự văn hóa, nhiều hành động

Thành lập tổ tư vấn tâm lý trong tất cả các trường học

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên cho biết: Để triển khai Nghị định 80 của Chính phủ Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 31 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư 33 hướng dẫn công tác xã hội trong trường học.

Trong Thông tư 31 đã quy định nhà trường có tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh và bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Mục đích của tổ tư vấn tâm lí là phòng ngừa hỗ trợ can thiệp khi cần thiết đối với học sinh sinh viên đang gặp khó khăn về tâm lí trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết, giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Tiếp theo là hỗ trợ học sinh sinh viên rèn luyện kĩ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội, rèn luyện sức khỏe thể chất tinh thần, xây dựng và hoàn thiện nhân cách.

Việc thành lập tổ tư vấn tâm lí ở các trường hiện nay ở tất cả các tỉnh đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các Sở, các phòng đã chỉ đạo. Thống kê chưa đầy đủ hiện nay cơ bản các trường đã thành lập được tổ tư vấn tâm lí. Tuy nhiên, việc triển khai thành lập các tổ tư vấn tâm lí cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có điều kiện phòng ốc thiếu thốn. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, tham vấn học đường là rất phức tạp, cần tính linh hoạt cao. Tham vấn trong nhà trường khó không phải là nhận thức, điều quan trọng là phải giúp học sinh thay đổi hành vi dù sẽ mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người làm phải rất sáng tạo thì mới thành công. Nếu không làm nhanh và tích cực công tác tư vấn học đường, ngành giáo dục sẽ còn tiếp tục phải giải quyết những sự cố phức tạp hơn nữa về bạo lực học đường.

Để khắc phục những khó khăn về tổ tư vấn tâm lý, Bộ cũng đã mở ra 2 hướng để khắc phục, đó là có phòng tư vấn riêng hoặc không gian tư vấn riêng. Không gian có thể nằm trong phòng. Chỗ nào có điều kiện thì sẽ bố trí một phòng riêng, bố trí lịch để tiếp đón vào đầy đủ các giờ trong ngày. Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị chức năng để xây dựng chương trình bồi dưỡng cho giáo viên tư vấn tâm lí. Hiện nay lãnh đạo Bộ đã kí ban hành phê duyệt chương trình bồi dưỡng này. Bộ cũng đã rà soát cấp phép giao nhiệm vụ cho 20 cơ sở giáo dục ĐH có chuyên ngành về tâm lí giáo dục bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên tại các tỉnh cấp chứng chỉ theo đúng quy định của Bộ.

Phan Thủy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.