Xe ôm công nghệ có phạm luật khi cố tình che biển số?

Trong quá trình lưu thông trên đường, không ít người sẽ cảm thấy thắc mắc khi gặp một số xe ôm công nghệ che biển số bằng băng dính tối màu, hay che phủ bằng những màu tối hoặc kẹp bìa che kín, thậm chí lấy khẩu trang để bịt…

Không khó để bắt gặp trên đường phố Hà Nội những chiếc xe máy kỳ lạ đeo khẩu trang biển số. Không ít người tò mò lý do gì mà các xe này lại phải giấu biển số như vậy.

Anh Nguyễn Minh T, một khách hàng cho biết, khi đặt xe trên ứng dụng, anh nhận được thông báo biển số xe. Tuy nhiên, khi lái xe tới, anh khá bất ngờ bởi lái xe đã dùng khẩu trang che lại. Nghi ngờ về hành động này, anh T đã yêu cầu lái xe cho xem biển số. Sau khi cho khách xem biển số, lái xe đã nhanh chóng che lại mới bắt đầu cuộc hành trình. “Tôi có hỏi thì họ bảo là che biển để cho nó đỡ bẩn”, anh T chia sẻ.

xe om cong nghe co pham luat khi co tinh che bien so
Hình ảnh tài xế Grab che biển số xe thường gặp ở Hà Nội.

Mai Chi, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, một khách hàng đi xe ôm công nghệ cho biết: “Em đặt xe Grab đi học, khi lái xe đến em thấy biển số xe bị bịt bằng khẩu trang, nên thấy kỳ lạ và cũng hơi bất an nên hỏi lái xe vì sao lại che biển số? thì anh ấy bảo là anh che cho đỡ bẩn, sợ hỏng biển số”.

Thế nhưng trên thực tế, đằng sau hiện tượng lạ che biển số xe của những tài xế xe ôm công nghệ, còn có những nguyên do khác.

xe om cong nghe co pham luat khi co tinh che bien so

Nhiều người phản ứng với hành vi che biển số xe của lái xe GrabBike.

Anh Hoàng V, một tài xế chạy Grabbike lâu năm nói: “Đa phần là sinh viên, một số người làm thêm, mặc quần áo, đồng phục không đúng của Grab nên họ che biển số. Có thanh tra Grab đi kiểm tra định kỳ, ngẫu nhiên, ai vi phạm thì chụp ảnh lại. Quần áo đồng phục thiếu quy chuẩn thì phạt 200 nghìn/lượt, lần thứ 2 là 400 nghìn, lần thứ 3 là khóa tài khoản”.

Một tài xế Grabbike khác cho biết thêm: “Nếu sử dụng phần mềm Grab thì được lợi nhiều, mặc dù mất tiền phần trăm nhưng ngược lại mình được bảo vệ và khách cũng được bảo vệ. Khách hàng nên gọi vào Grab vì được bảo vệ cho chính bản thân. Đi đường bây giờ cũng rủi ro nhiều”.

xe om cong nghe co pham luat khi co tinh che bien so
Tài xế này đã cố tình che đi 1 chữ số trên biển số xe của mình

Như vậy, việc các tài xế GrabBike cố tình che chắn biển số nhằm mục đích qua mắt cơ quan quản lý, tránh bị phạt trong khi hoạt động. Thế nhưng, chính hành động này của các tài xế lại gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc tuần tra, kiểm soát và xử lý các tình huống nếu có sự việc xảy ra.

xe om cong nghe co pham luat khi co tinh che bien so
Tài xế đã dùng màu tối để che đi những con số trên biển xe, phải tới gần thì mới có thể nhìn thấy được những con số trên biển xe

Có thể nói, với những người làm ăn chân chính, việc làm này chính là “con sâu làm rầu nồi canh”. Anh Nguyễn H, một lái xe GrabBike giàu kinh nghiệm cho biết, việc nhiều tài xế che biển số đã làm xấu hình ảnh của đội ngũ GrabBike ở Hà Nội. Đây là sự thiếu sòng phẳng, không nghiêm túc khi tham gia dịch vụ.

xe om cong nghe co pham luat khi co tinh che bien so
Không chỉ Grab mà những tài xế của các hãng xe ôm công nghệ khác cũng áp dụng biện pháp dùng khẩu trang để che biển số xe máy

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, đoàn Luật sư TP Hà Nội thì: “Việc che biển số của tài xế Grab thì đương nhiên làm ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như chất lượng dịch vụ mà khách hàng sử dụng. Bên cạnh đó, việc này cũng làm ảnh hưởng đến việc quản lý của công ty chủ quản.

Vì vậy, với tư cách là người trực tiếp sử dụng dịch vụ thì những khách hàng nên kiên quyết yêu cầu lái xe chấm dứt việc che biển số khi sử dụng dịch vụ, hoặc là có phản hồi kịp thời đến công ty quản lý để đảm bảo quyền lợi cho chính mình và những khách hàng sử dụng dịch vụ khác. Bên cạnh đó, đối với những cơ quan quản lý cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tài xế Grab có hành vi che biển số”.

xe om cong nghe co pham luat khi co tinh che bien so
Việc tự ý tô màu vào biển số xe như này cũng là một hành vi vi phạm pháp luật

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết thêm, theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ, có hiệu lực từ 1-1-2014, có quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm này như sau: Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17 quy định phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy khi thực hiện hành vi vi phạm: “Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng”.

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.