Cảnh báo trẻ vị thành niên mắc bệnh xã hội

Theo Trung tâm Đào tạo - chỉ đạo tuyến, BV Da liễu Trung ương, 5 tháng đầu năm có hơn 1.000 bệnh nhân viêm niệu đạo, 429 ca viêm âm đạo bán cấp đến khám. Trong số bệnh nhân có đến 343 ca giang mai, 170 trường hợp mắc bệnh lậu. Trong đó số lượng trẻ vị thành niên đến khám và mắc các bệnh lậu, giang mai có xu hướng tăng.

Bác sĩ Đinh Hữu Nghị, GĐ Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, BV Da liễu trung ương (Hà Nội), cho biết thống kê sơ bộ của riêng cơ sở y tế này cho thấy tỷ lệ bệnh lây qua đường tình dục đang tăng. Đặc biệt, BV ghi nhận nhiều trường hợp còn rất trẻ. Nguy hại hơn, số trẻ vị thành niên đến khám và mắc các bệnh về lậu, giang mai... đang có xu hướng tăng. Bác sĩ Nghị cho biết, nhiều bệnh nhi 14-15 tuổi đã mắc bệnh tình dục. Chuyên gia nhận định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là tuổi dậy thì ở trẻ sớm hơn, các em còn thiếu kiến thức về quan hệ an toàn nên dễ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.

Đa số người bệnh tới BV Da liễu Trung ương khám với các triệu chứng của viêm niệu đạo, viêm âm đạo và tiết dịch. Người bệnh thường có tâm lý e ngại khi mắc các bệnh xã hội nên họ thường tự mua thuốc kháng sinh để điều trị. Sai lầm này dễ khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng kháng thuốc, thậm chí làm tình trạng tăng nặng. Theo thống kê của BV, số người tới khám có tỷ lệ kháng kháng sinh Ciprofloxacin tới trên 90%, Peniciline là 45%... Do đó, bác sĩ Nghị khuyến cáo khi người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ lậu và các bệnh tình dục khác, cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Đối với lứa tuổi vị thành niên, gia đình và nhà trường cần phối hợp để giáo dục giới tính, giúp các em có hiểu biết đúng về mối nguy hiểm của các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và biện pháp phòng tránh.

canh bao tre vi thanh nien mac benh xa hoi
Ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên mắc bệnh lây qua đường tình dục.

Một trong số những ví dụ được bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Điều trị da phụ nữ và trẻ em, BV Da liễu Trung ương, cho biết đó là mới đây bé được đưa đến BV Da liễu Trung ương thăm khám sau khi cha mẹ phát hiện có những bất thường ở con trai. Em xuất hiện nhiều ban đỏ trên người, không ngứa, có vảy ở bàn tay. Với những dấu hiệu khá điển hình, bác sĩ nghi ngờ trẻ bị mắc bệnh giang mai, tuy nhiên em một mực cho biết chưa từng quan hệ tình dục. Bác sĩ phải cách ly cha mẹ với con, bé sau đó mới thú thật có quan hệ đồng giới khoảng gần một năm và đã bị lạm dụng tình dục nhiều lần. Theo bác sĩ Thùy, không ít trẻ ở tuổi vị thành niên mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trước đó, một bé gái 14 tuổi cũng đến BV khám và phát hiện bị bệnh lậu. Bốn năm qua, số trẻ vị thành niên, thanh niên đến viện khám về các bệnh xã hội gia tăng. Có những cặp đôi cùng dắt tay nhau đến viện thăm khám sau khi phát hiện bệnh.

Giang mai là bệnh nhiễm trùng mạn tính ở đa cơ quan do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Ba đường lây truyền bệnh là đường tình dục, truyền máu và mẹ con. Giang mai có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh, nếu không chẩn đoán đúng cách và chữa trị sớm có thể gây biến chứng cho tim, não, động mạch chủ, xương... "Nhiều em thanh thiếu niên vì sợ hãi gia đình phát hiện nên đã đến các cơ sở không có uy tín điều trị khiến bệnh tình trầm trọng hơn", bác sĩ Thùy nói. Bác sĩ Thùy chia sẻ, nhiều phụ huynh rất ngỡ ngàng khi biết con mình mắc bệnh xã hội như lậu, giang mai, sùi mào gà... Ngoài tâm lý lứa tuổi tò mò chuyện người lớn, môi trường phổ cập internet, mạng xã hội, trẻ tiếp cận với nhiều video nhạy cảm... là nguyên nhân dẫn tới tình trạng quan hệ tình dục sớm. Trong khi đó, các em còn thiếu kiến thức về quan hệ an toàn nên dễ lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mai, Tiến sĩ Tâm lý học (nguyên giảng viên trường ĐH Văn hóa Hà Nội) bày tỏ, bà không hề bất ngờ trước tình trạng gia tăng trẻ vị thành niên bị mắc bệnh xã hội bởi quan hệ tình dục sớm. “Kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế cho thấy, tuổi quan hệ tình dục lần đầu tại Việt Nam đã thấp hơn rất nhiều. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ cao nhất tại Đông Nam Á về nạo phá thai ở độ tuổi vị thành niên”, bà Mai dẫn giải.

Theo vị chuyên gia này, nguyên nhân chính của thực trạng trên xuất phát từ chất lượng giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản hiện còn mang tính bề nổi, hình thức. “Chương trình giáo dục giới tính cũng đã được đưa vào trường học nhưng hầu hết dừng lại ở buổi nói chuyện cho có, cho qua, kiểu nội dung cần được triển khai chứ không phải trang bị năng lực thực hành thực cho học sinh. Chính điều này dẫn tới việc quan hệ tình dục không an toàn”, bà Mai phân tích.

Một điều đáng tiếc nữa là khi đối mặt với những thay đổi tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, các bậc cha mẹ lại không nhận ra kịp thời để có định hướng giáo dục cho đúng. “Nhận diện dấu hiệu con dậy thì cũng là thời điểm thích hợp để trang bị cho con về các kiến thức liên quan tới tình bạn, tình yêu, tình dục, thậm chí cả những câu chuyện chia sẻ về bộ phận sinh dục, trinh tiết, thủ dâm… Nếu bố mẹ ngượng khó nói thì nên chuẩn bị tất cả tài liệu khoa học để cho con tự tìm hiểu”, bà Mai nói.

Dưới góc độ y khoa các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện có vết loét ở bộ phận sinh dục hay bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc thân mật tình dục, cần phải đến viện khám và làm xét nghiệm tầm soát. Gia đình và nhà trường cũng cần có chương trình giáo dục sức khỏe giới tính học đường để trang bị kiến thức và sự hiểu biết đối với học sinh.

Nguyễn Dũng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.