Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson và ván cược Brexit rủi ro

Hôm 23-7, cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã chiến thắng trước đối thủ là Ngoại trưởng Jerremy Hunt trong cuộc bầu chọn lãnh đạo  đảng Bảo thủ cầm quyền, với số phiếu ủng hộ tương ứng là 92.153 phiếu và 46.656 phiếu.

Với kết quả này, ông Johnson trở thành người kế nhiệm Thủ tướng Theresa May từ ngày 24-7. Trên cương vị mới, ông Johnson sẽ phải dẫn dắt nước Anh vượt qua nhiều khó khăn...

Hàng loạt khó khăn chờ đợi

Nhận định về những khó khăn đang chờ đợi ông Boris Johnson, tờ Financial Times cho rằng hiếm có một Thủ tướng thời bình nào của Anh lại phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn đang chờ đợi như ông Boris Johnson khi ông bước vào Downing Street ngày 24-7. Ông đã ngồi vào vị trí Thủ tướng không phải bằng một cuộc tổng tuyển cử mà bằng cuộc bỏ phiếu chỉ trong các đảng viên Bảo thủ mà thôi. Theo Financial Times, ông chính là người đã làm rất nhiều điều đưa nước Anh vào "bãi mìn" của Brexit thì ông phải là người tìm cho ra cách đưa nước Anh ra khỏi "bãi mìn" này.

Những khó khăn trong "mê cung" mà bà May từng gặp tại Hạ viện cũng sẽ chờ đón ông Johnson trong những tháng tới vì đa số ghế đảng Bảo thủ tại Hạ viện có thể xuống còn quá bán có 1 ghế nếu như tại cuộc bầu cử phụ vào tuần tới đảng Bảo thủ bị thua. Nhóm những nghị sĩ Bảo thủ kỳ cựu nói họ sẽ bỏ phiếu để lật đổ chính phủ còn hơn là để cho thảm họa Brexit không thỏa thuận xảy ra. Tuy nhiên việc thể hiện lập trường cứng rắn của ông Johnson trong suốt chiến dịch tranh cử sẽ dẫn đến kết quả là ông sẽ không bị tự đóng khung nhốt mình. Ông đã dứt khoát đưa ra thời hạn chót để Anh rời EU là ngày 31-10, trong khi từ chối bất cứ sự thỏa hiệp nào- như vấn đề kế hoạch chốt chặn Ireland, Johnson phải biết việc nước Anh rời EU không thỏa thuận sẽ nguy hiểm cho vấn đề Bắc Ireland.

Thậm chí nếu như Anh rời EU không thỏa thuận thì vẫn cần một thỏa thuận về quan hệ thương mại với đối tác thương mại lớn nhất của mình. Điều đó sẽ bao gồm tất cả các yếu tố: kế hoạch chốt chặn, trả lại tiền nước Anh nợ ngân sách EU- đây là những điều khoản trong thỏa thuận rút khỏi khó có thể sửa lại được. Không thỏa thuận sẽ đòi hỏi chính phủ cần phải ngồi lại với nhau, vấn đề mắc kẹt sẽ làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và vị thế đàm phán của nước Anh.

Tờ The Times cho rằng dù có thắng lớn trong cuộc tranh cử vừa qua, nhưng việc sắp xếp nội các của Johnson sẽ phải là một sự cân bằng tinh tế. Nếu như bổ nhiệm nội các của mình toàn những người thuộc phe Brexiteers, ông Johnson sẽ đối mặt với rủi ro thổi bùng "liên minh những người chống đối" dẫn đầu bởi các ông Philip Hammond và David Gauke và những nghị sĩ phản đối Brexit không thỏa thuận trong Quốc hội. Những nghị sĩ ủng hộ EU tin rằng chỉ cần 20 nghị sĩ Bảo thủ mà nổi loạn là có thể kéo chính phủ của ông Johnson sụp đổ nếu như ông Johnson cố gắng tiến hành Brexit không thỏa thuận.

tan thu tuong anh boris johnson va van cuoc brexit rui ro
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh tư liệu

Những kế hoạch khả thi

Lý tưởng hơn cả là Johnson sẽ đưa ra một thỏa thuận mới thay thế thỏa thuận bị ghét bỏ của bà May. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc đưa ra một thỏa thuận mới sẽ tốn nhiều thời gian. Kỳ nghỉ mùa hè và sự chuyển giao lãnh đạo ở London và Brussels khiến các cuộc đối thoại chính thức phải kéo dài nhiều tuần trong tháng 9 và 10. Thỏa thuận hiện có phải mất 17 tháng thương lượng. Trong khi đó, từ nhiều tháng qua, 27 lãnh đạo EU đã không ngừng nói rằng họ giờ sẽ chỉ nghe theo các quan điểm về một tài liệu riêng rẽ và có sức thuyết phục lớn trong đó định hình mối quan hệ tương lai giữa Anh và EU.

Giải pháp thay thế của Johnson bắt đầu bằng việc Quốc hội thông qua "những nội dung tốt nhất" của thỏa thuận mà bà May đạt được với EU trước đó. Những nội dung này bao gồm các vấn đề không gây tranh cãi như quyền lợi của công dân EU và mở rộng các hiệp ước hợp tác an ninh và ngoại giao. Nội dung bị gạt ra là vấn đề "chốt chặn" - một giải pháp gây tranh cãi lớn nhằm tránh một đường biên giới cứng giữa Ireland, một thành viên của EU, và Bắc Ireland thuộc Anh.

Ông Johnson cũng muốn thông qua một chính sách của "sự nhập nhằng có lợi" về việc liệu Anh sẽ trả cho EU khoản tiền khoảng 39 tỷ bảng Anh (49 tỷ USD) khi nước này rút khỏi khối hay không. Khoản tiền này sẽ được sử dụng như một đòn bẩy để khiến Brussels chấp thuận một thỏa thuận "bị bế tắc" cho đến khi một thỏa thuận mới được ký kết. Sự mường tượng của Johnson dần hé lộ một sự pha trộn giữa "các giải pháp dựa trên công nghệ" và các thỏa thuận miễn trừ vốn để cho việc lưu thông tự do qua lại biên giới Ireland trong khoảng thời gian tạm thời này. Ông biện luận rằng mọi thứ sẽ được giải quyết "một cách đúng đắn trước khi" diễn ra cuộc bầu cử của Anh vào tháng 5-2022.

Đó là một ván cờ rủi ro cao vốn có thể cần giới lãnh đạo EU huy động và thể hiện thiện chí mạnh mẽ hơn trong giai đoạn này. Brussels muốn tránh thiết lập một tiền lệ đối với các nước theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu khác bằng việc thừa nhận một nhân vật "siêu chỉ trích" EU như Johnson. Cũng chính từ đây mà xuất hiện mối đe dọa về một Brexit không thỏa thuận khiến báo chí nhảy vào bình luận. Cuộc "ly hôn" đầy hỗn loạn này có nguy cơ gây ra thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế Anh hơn là đối với nền kinh tế của một EU ngày càng đa dạng và rộng lớn.

Tuy nhiên, phần lớn lãnh đạo EU không muốn bị chỉ trích vì để cho Anh "rơi xuống vách đá”. Và giới chức Ireland coi một đường biên giới cứng là mối đe dọa hiện hữu đối với một thỏa thuận vốn đã khép lại cuộc đổ máu phe phái kéo dài hàng chục năm ở phía Bắc. Một cuộc "ly dị" không thỏa thuận cũng sẽ cho thấy sự thất bại ngoại giao ghê gớm vốn có thể làm EU xa lánh nước Anh và khiến mối quan hệ tương lai của hai bên càng thêm tồi tệ.

Hồng Phúc

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.