Chủ tịch UBND TP yêu cầu bám sát chủ đề: “Đã uống rượu bia-Không lái xe”

Cùng với sự kiện đi bộ kêu gọi “Đã uống rượu bia-Không lái xe" diễn ra ngày 12-5 tại khu vực xung quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhiều khẩu hiệu cảnh báo tác hại khác của rượu bia cũng được người dân mang theo.

Sáng 12-5, tại tượng đài Lý Thái Tổ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức sự kiện đi bộ kêu gọi hành động “Đã uống rượu bia - Không lái xe”.

hang nghin nguoi di bo truyen thong diep ve tac hai cua ruou bia
Uỷ ban ATGT Quốc gia kêu gọi người dân "Đã uống rượu bia-Không lái xe"

Phát biểu hưởng ứng tại sự kiện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Trong năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019, tai nạn giao thông trên địa bàn TP tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong những ngày gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nguyên nhân trực tiếp là do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra, khiến dư luận xã hội bức xúc.

Hậu quả của những vụ tai nạn giao thông này khiến cho những gia đình nạn nhân không chỉ chịu sự đau thương do mất người thân, mà còn là thiệt hại to lớn đối với kinh tế gia đình cũng như tương lai phát triển của con em các nạn nhân.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, chính quyền các cấp cần bám sát chủ đề “Đã uống rượu bia-Không lái xe”; “Phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe gắn máy” và “phải thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô” để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm tạo được sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân. Trong đó, có gắn trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc đảm bảo TTATGT, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn TP.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP phải gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là quy định “Đã uống rượu, bia-Không lái xe”; trường hợp vi phạm cần xử lý nghiêm khắc để làm gương…

Cùng với sự kiện trên, trong khuôn khổ Chương trình Đi bộ vì Sức khoẻ Tim mạch nhân ngày phòng chống tăng huyết áp do Viện Tim mạch Quốc gia và Hội Tim mạch Việt Nam tổ chức diễn ra tại khu vực Tượng đài Cảm tử, trước đền Ngọc Sơn, Hồ Hoàn Kiếm nhiều người dân đã cầm những khẩu hiệu cảnh báo về tác hại của rượu, bia: Nói không với rượu bia để phòng tăng huyết áp; Sử dụng rượu bia là nguyên nhân gây bệnh tim mạch; Phòng chống tác hại của rượu bia là phòng chống bệnh tim…

hang nghin nguoi di bo truyen thong diep ve tac hai cua ruou bia
Cùng khẩu hiệu trên, người dân mang theo nhiều cảnh báo về tác hại của rượu, bia
hang nghin nguoi di bo truyen thong diep ve tac hai cua ruou bia
Rượu,bia là nguyên nhân gây bệnh tim mạch
hang nghin nguoi di bo truyen thong diep ve tac hai cua ruou bia
Và kêu gọi tuổi trẻ, học sinh nói không với rượu, bia

Bác sỹ Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng-một thành viên của Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm chia sẻ: Muốn giải quyết căn nguyên thực sự gây tai nạn giao thông kinh hoàng cùng bao tác hại cấp tính và lâu dài do rượu bia gây ra chúng ta phải tranh đấu cho một dự luật tuân thủ theo đúng cơ sở khoa học quản lý chất gây nghiện, gây ung thư như tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo.

Theo bác sỹ Trần Tuấn, Dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia được phát triển trong 2 năm qua, tốn không biết bao nhiêu sức người sức của nhưng "càng ngày càng xa khoa học và kinh nghiệm quốc tế". Phiên bản hiện tại thực chất chỉ còn hình thức có luật. Chả thấy điều khoản cụ thể nào trong luật giống như quốc tế khắc chế hữu hiệu tai nạn giao thông do rượu bia gây ra: Cấm và phạt tù thật nặng!

T. An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.