Phòng chống tác hại của rượu bia: Một chính sách tốt có thể cứu sống hàng vạn người

Dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHCRB) qua nhiều lần xin ý kiến, chỉnh sửa sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sắp tới. Tuy nhiên, theo ban soạn thảo, so với những bản dự thảo ban đầu thì đến nay những điều luật yếu đi rất nhiều.

Chia sẻ đầy day dứt về những trường hợp bị tai nạn giao thông do tài xế sử dụng rượu bia trong trong thời gian gần đây, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế-thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật PCTHCRB bày tỏ: Những nạn nhân như nữ công nhân quét rác trên đường Láng (Hà Nội), như 2 người bạn ở hầm Kim Liên (Hà Nội) hoặc như những người đi viếng đám tang ở Bình Định đều không thể ngờ được cái chết đến với mình bất ngờ như vậy.

Tất cả họ đều mong muốn trở về đoàn tụ cùng gia đình sau một ngày làm việc. Thế nhưng cái chết bất ngờ đến với họ bởi người lái xe có sử dụng rượu bia. Họ mất đi mạng sống là điều vô cùng tức tưởi. Và hệ luỵ còn đau đớn hơn chính là những đứa trẻ mất đi mái ấm, mất đi sự chăm sóc của người mẹ…, TS. Nguyễn Huy Quang đau xót.

Một công cụ pháp lý quan trọng đang bị làm yếu đi

TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng, để ngăn chặn những tác hại của rượu bia không chỉ dừng ở khẩu hiệu “Uống rượu bia thì không lái xe” hay “Lái xe khi uống rượu bia là tội ác” như cộng đồng mạng kêu gọi thời gian qua. Trên hết là cần những quy định chặt chẽ nhằm kiểm soát, hạn chế tính sẵn có của rượu bia bởi độ tuổi sử dụng rượu bia hiện nay đang ngày càng trẻ hoá. Muốn vậy cần đưa những quy định mạnh mẽ vào Luật PCTHRB.

Điều khiến TS. Nguyễn Huy Quang cảm thấy “khó hiểu” là không rõ vì lý do nào mà tên gọi ban đầu của Luật là Luật PCTHCRB đã được thêm phương án nữa chuyển thành tên gọi Luật Phòng chống tác động có hại và Kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ con người. “Với tên gọi ban đầu ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu Luật PCTHCRB thì không phải tuyên truyền nhiều người dân cũng hiểu. Còn tên gọi thứ 2 của Luật, ngay cả các chuyên gia cũng khó có thể nói đầy đủ được mà không… nhìn vào văn bản. Vì thế, Ban soạn thảo mong muốn được giữ nguyên tên gọi ban đầu của Luật.

phong chong tac hai cua ruou bia mot chinh sach tot co the cuu song hang van nguoi
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Còn nhiều khoảng trống về luật pháp trong phòng chống tác hại rượu bia (ảnh T.A)

Lý giải tác động của tên gọi, TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng: Tên gọi Luật PCTHCRB phản ánh được đầy đủ những tác hại của rượu bia về cấp tính (ngay sau khi uống, chưa lạm dụng) và tác hại lâu dài sau một thời gian uống thường xuyên (xơ gan, ung thư, tim mạch, nghiện…). Cùng đó, THCRB không chỉ đối với sức khoẻ con người mà gây ra các vấn đề khác như an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, thiệt hại kinh tế; Không có ngưỡng an toàn cho sử dụng rượu bia mà tuỳ thuộc vào tuổi, giới, đặc tính sinh học cá nhân, mức độ, cách uống… RB là đồ uống gây nghiện, nếu sử dụng thường xuyên. Tác hại do RB lớn gấp nhiều lần so với lợi ích của RB mang lại.

Còn tên gọi Luật Phòng chống tác động có hại và Kiểm soát rượu bia vì sức khoẻ con người chưa bao quát được THCRB vì THCRB không chỉ đối với sức khoẻ mà gây ra các vấn đề khác như an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội, thiệt hại kinh tế; Tên gọi này có tác dụng cảnh báo nguy cơ, tác hại chủ yếu từ rượu, bia nhưng không lớn. Tên luật dài dòng, khó nhớ, thông điệp không mạnh;

Cũng theo TS. Nguyễn Huy Quang, so với nội dung Dự thảo Luật PCTHCRB ban đầu, đến nay bản dự thảo này đã có nhiều nội dung bị làm yếu đi, tạo nhiều khoảng trống về pháp luật như: Quy định cấm quảng cáo RB từ 15 độ trở lên đã bị thay thế bằng chỉ cấm quảng cáo, khuyến mại rượu từ 15 độ cồn trở lên, không cấm đối với bia. Trong khi đó, bia cũng là sản phẩm có cồn, gây nghiện. Uống 1 lon/cốc bia tương đương 1 chén nhỏ rượu. Tác hại của rượu, bia là như nhau. Đồng thời, 95% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam là bia.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát quảng cáo RB trên internet quá yếu, chỉ mang tính hình thức. Dự thảo chỉ quy định kiểm soát quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác phải có hệ thống công nghệ chặn lọc, phần mềm kiểm soát tuổi của người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm”. Trong khi đó, Việt Nam có tới 40 triệu dân số sử dụng internet; 28 người sử dụng mạng xã hội và dành trung bình 3 giờ mỗi ngày cho mạng xã hội; 80% người dùng điện thoại thông minh sử dụng để truy cập mạng xã hội.

phong chong tac hai cua ruou bia mot chinh sach tot co the cuu song hang van nguoi
ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Để phòng chống tác hại rượu bia bền vững cần giải quyết được căn nguyên vấn đề bằng một chính sách bền vững (ảnh T.A)

82% nạn nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án Gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2016, rượu bia là nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới từ 15-19 tuổi tại Việt Nam. Tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia chiếm 31,4% ở nam và 19,6% ở nữ. Kết quả điều tra pháp y của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức trên 100 người tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cũng cho thấy, 97% là nam giới và 82% nạn nhân có nồng độ cồn trong máu ở ngưỡng 50mg/100ml máu. Đặc biệt, đa số các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia là nghiêm trọng, 68% nạn nhân có thời gian sống dưới 30 phút sau khi tai nạn xảy ra.

ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ: Sau những tai nạn thương tâm do lái xe uống rượu bia gây ra chúng ta có thể trắc ẩn và thương cảm dành dụm, quyên góp để chia sẻ, vợi bớt một phần nỗi đau và cũng để tìm sự an yên cho tâm hồn mình, có thể kêu gọi cộng đồng thức tỉnh đã lái xe thì không bia rượu để không còn những hậu quả đau lòng. Nhưng đấy chỉ là những ân tình tự phát, nhất thời.

Để bền vững thì cần giải quyết được căn nguyên vấn đề bằng một chính sách bền vững, phải để cho mọi người nhận thức được RB không phải là hàng hoá bình thường và có cơ chế quản lý chặt chẽ với nó bằng các quy định pháp luật như hàng trăm quốc gia khác đã và đang làm từ vài chục thập kỷ trước. Một hành động đẹp có thể cứu sống một con người nhưng một chính sách tốt có thể cứu sống hàng vạn người và làm cho hàng triệu người khác hạnh phúc.

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.