Tìm hướng đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

“Gắn kết cơ sở giáo dục ĐH và DN để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao” là chủ đề cuộc tọa đàm khoa học vừa được Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức; trở thành nhịp cầu kết nối nhà quản lý, nhà khoa học khối nông lâm ngư, các DN, học sinh, sinh viên yêu nông nghiệp lại với nhau để cùng hướng đến xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng- nông nghiệp giàu có- nông thôn văn minh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu rõ, ngành nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế lớn, giải quyết tốt được vấn đề việc làm, không chỉ về kinh tế mà cả vấn đề xã hội.

Tuy nhiên hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục còn bị động, đào tạo ra những gì mà chúng ta có thế mạnh dẫn đến đến những ngành đào tạo truyền thống rất nhiều, còn những ngành về công nghệ mới phục vụ cho nông nghiệp thì còn khiêm tốn; chương trình đào tạo chưa sát với thực tiễn, quy trình xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo chưa được đổi mới nhiều dẫn đến sản phẩm đào tạo chưa thực sự thích nghi ngay, DN phải mất nhiều công đào tạo lại; phương thức tổ chức đào tạo vẫn chủ yếu thầy dạy, chưa tạo ra được hệ sinh thái đào tạo, đổi mới sáng tạo...

Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ, thúc đẩy tất cả các cơ sở GD-ĐT có những điều kiện thuận lợi để phục vụ tốt cho phát triển nông nghiệp với hướng mới và quan điểm mới là không phải truyền thống cây gì, con gì, mà ứng dụng mạnh khoa học công nghệ vào để tăng năng suất lao động, tạo được thực sự cạnh tranh cao. Điều này không chỉ dừng lại khâu sản xuất mà sau thu hoạch, thậm chí phân phối và đến tận khâu tiêu thụ phụ sản phẩm….

tim huong dao tao nhan luc nong nghiep trinh do cao dap ung nhu cau doanh nghiep
Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm khoa học về phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao. (Ảnh:Đ.Q)

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, 30 năm đổi mới cho thấy: Nông nghiệp luôn là khâu đột phá, là trụ đỡ, đồng thời là ngành kinh tế có nhiều đóng góp nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Để làm được những việc này, Bộ trưởng cho rằng, các cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo nguồn nhân lực nông - lâm - ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tìm ra mô hình đào tạo nhân lực một cách hiệu quả nhất, giúp các cơ sở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao hơn; tìm hiểu và có kế hoạch đào tạo, củng cố tăng cường năng lực hệ thống dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.

Sinh viên tốt nghiệp ĐH ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kỹ năng cần thiết để không bị thay thế bởi rô-bốt và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện...

Việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kĩ năng, phấm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tạo ra những đột phá trong sản xuất nông nghiệp và phát triến kinh tể nông thôn trong điêu kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi cho biết, trường đặc biệt chú trọng phát triển hợp tác quốc tế giúp tăng cường năng lực về đào tạo và nghiên cứu khoa học, cải thiện cơ sở vật chất. Chính phủ cần quan tâm, hoạch định các chính sách thúc đẩy hoạt động nghiên cứu tại các trường ĐH và tạo lập liên kết với các DN, gắn với chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ưu tiên các chính sách hỗ trợ đầu tư và khuyến khích hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao thương mại các kết quả nghiên cứu. Ưu đãi thuế để thúc đẩy khởi nghiệp và hợp tác giữa ĐH – DN.

Còn bà Phạm Thị Thanh Bình, đại diện Cty Japfa Việt Nam, cựu sinh viên ĐH Nông nghiệp I cho biết, mối liên hệ giữa DN và các nhà trường vẫn mang tính tự phát, chưa có sự ký kết, nội dung rõ ràng. “Một số sinh viên mặc dù tốt nghiệp nhưng kiến thức, kỹ năng chưa tốt. Tại một số cơ sở giáo dục, sinh viên thiếu và yếu về ngoại ngữ. Chỉ 1 - 2% sinh viên khi được hỏi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Theo tôi, nên có sự chủ động giữa DN và cơ sở đào tạo. Hai bên cần bàn bạc cụ thể và có thỏa thuận rõ ràng. Còn các cơ sở giáo dục cần tăng thêm thời gian thực hành cho các sinh viên, DN không phải đào tạo lại…”.

Điệp Quyên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.