Dự án “xẻ đồi xây trường” ở TP Điện Biên Phủ: Kiểm đếm sai… ai chịu trách nhiệm?

Trong khi nhiều đơn vị, cá nhân liên quan đến việc huỷ hoại tài sản của công dân chưa bị xử lý kỷ luật, chậm trễ thực hiện Kết luận Thanh tra của Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ thì mới đây lại tiếp tục lộ ra việc kiểm đếm thiếu tài sản… khiến người dân càng thêm bức xúc.
du an xe doi xay truong o tp dien bien phu kiem dem sai ai chiu trach nhiem Dự án “xẻ đồi xây trường” ở TP Điện Biên Phủ: Cty Ánh Tuyết ngang nhiên hủy hoại tài sản công dân?

Kiểm đếm thiếu hơn 500 cây lấy gỗ

Ngày 19-3, báo PL&XH đăng tải bài viết “Dự án “xẻ đồi xây trường” ở TP Điện Biên Phủ: Cty Ánh Tuyết ngang nhiên huỷ hoại tài sản công dân?” phản ánh về việc, trong quá trình thực hiện dự án xây dựng Trường Tiểu học xã Thanh Minh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Cty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Ánh Tuyết (Cty Ánh Tuyết) đã ngang nhiên chặt phá cây cối, chiếm đoạt tài sản của nhiều hộ dân chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.

Đáng chú ý, khi sự việc được phát hiện, người dân đã ngăn chặn, đồng thời yêu cầu Cty Ánh Tuyết dừng thi công để các đơn vị chức năng xác định số lượng tài sản bị thiệt hại. Song, doanh nghiệp này vẫn cố tình thi công và di chuyển toàn bộ tài sản của người dân đi nơi khác. Việc làm của Cty Ánh Tuyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cùng với sự thiếu trách nhiệm của các đơn vị liên quan đã khiến người dân bức xúc. Hậu quả, dự án “xẻ đồi xây trường” của TP Điện Biên Phủ này phải “đắp chiếu” từ năm 2017 đến nay.

du an xe doi xay truong o tp dien bien phu kiem dem sai ai chiu trach nhiem
Cây cối um tùm, xanh tốt, phủ kín đồi trước khi có dự án "xẻ đồi xây trường"

Một trong những lý do khiến một số hộ dân đến thời điểm này chưa nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng và đã gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên là việc kiểm đếm tài sản trên đất bị sai lệch, gây thiệt thòi cho người dân. Từ năm 2017, họ đã có kiến nghị về việc kiểm đếm thiếu tài sản nhưng mãi đến đầu năm 2019, UBND TP Điện Biên Phủ mới làm sáng tỏ. Việc kiểm đếm thiếu tài sản nghiêm trọng nhất là trường hợp của gia đình bà Phạm Thị Bích Hồng.

Tại biên bản phúc tra lại một số cây cối hoa mầu trên đất thu hồi thuộc dự án xây dựng Trường Tiểu học xã Thanh Minh do Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất TP Điện Biên Phủ xác lập ngày 2-1-2019 thể hiện, tổng số lượng cây lấy gỗ theo hiện trạng trên 40% diện tích của gia đình bà Hồng chưa bị Cty Ánh Tuyết huỷ hoại là 310 cây.

du an xe doi xay truong o tp dien bien phu kiem dem sai ai chiu trach nhiem
Nhiều cây lấy gỗ của các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng bị Cty Ánh Tuyết chặt hạ và di chuyển đi nơi khác

Đáng chú ý, mặc dù cây cối, hoa màu trên 60% diện tích đất của bà Hồng đã bị Cty Ánh Tuyết huỷ hoại, xoá dấu vết nhưng Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất TP Điện Biên Phủ vẫn có thể xác định được có tới 481 cây lấy gỗ trong khi không còn cơ sở để xác định(?). Như vậy, với cách tính này thì tổng số cây lấy gỗ trên hơn 3.200m2 đất của gia đình bà Hồng bị thu hồi là 791 cây.

Trong khi đó, phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND TP Điện Biên Phủ xác lập năm 2017, thì số lượng cây lấy gỗ của gia đình bà Hồng chỉ có 267 cây. Chỉ cần so sánh số lượng cây lấy gỗ trên 40% diện tích đất còn lại của bà Hồng với phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND TP Điện Biên Phủ đã thấy sự chênh lệch rõ ràng. Và nếu không phúc tra lại thì có lẽ hơn 500 cây lấy gỗ của gia đình bà Hồng sẽ bị “bốc hơi” theo phương án bồi thường?

Lại “đổ lỗi” cho người dân?

Bà Hồng cho hay, sở dĩ xảy ra việc trên là do hơn chục năm nay gia đình bà không sinh sống thường xuyên ở Điện Biên nên không nhận được thông báo và cũng không trực tiếp tham gia kiểm đếm tài sản. Sau khi kiểm đếm, chồng bà Hồng là ông Nguyễn Quốc Hạnh được gọi lên trụ sở Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất TP Điện Biên Phủ để ký biên bản xác nhận. Ông Lê Văn Cương, Phó Giám đốc Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất TP Điện Biên Phủ thừa nhận việc này.

du an xe doi xay truong o tp dien bien phu kiem dem sai ai chiu trach nhiem
Mặc dù người dân đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng nhưng đơn Cty Ánh Tuyết vẫn cố tình thi công, xoá dấu vết?

“Đáng chú ý, khi phát hiện thiếu tài sản, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị kiểm đếm lại. Thế nhưng, suốt từ năm 2017 đến đầu năm 2019, các cơ quan chức năng ở TP Điện Biên Phủ cố tình không thực hiện mà vẫn khẳng định rằng, họ đã làm đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật. Thậm chí, họ còn yêu cầu kiểm điểm, xử lý chúng tôi vì cho rằng chúng tôi kiến nghị sai sự thật. Chỉ đến khi phúc tra lại thì sự việc mới được sáng tỏ nhưng vẫn chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý trách nhiệm về việc làm sai này”, bà Hồng bức xúc.

Trong nhiều tài liệu PV thu thập được thể hiện, từ thời điểm những người dân chưa đồng thuận nhận tiền hỗ trợ, bồi thường khi GPMB đến cuối năm 2018, các cơ quan chức năng ở TP Điện Biên Phủ có nhiều văn bản thể hiện việc kiểm đếm tài sản trên đất là chính xác. Thậm chí, sau khi Thanh tra TP Điện Biên Phủ vào cuộc, xác minh, ngày 4-9-2018, ông Nguyễn Đức Đuyện, Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ ký Kết luận Thanh tra số 982/KL-UBND cũng khẳng định, việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại dự án này đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

du an xe doi xay truong o tp dien bien phu kiem dem sai ai chiu trach nhiem
Kết quả phúc tra xác định kiểm đếm thiếu tài sản của người dân nhưng ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ vẫn khẳng định việc kiểm đếm được thực hiện đúng quy trình

Tại buổi làm việc với PV báo PL&XH vào đầu tháng 3-2019, khi đã có kết quả phúc tra nhưng ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND TP Điệm Biên Phủ, kiêm Giám đốc Ban QLDA WB tái khẳng định việc kiểm đếm tài sản của người dân là đúng quy trình. “Bởi lẽ, tài sản trên đất do các hộ dân tự kê khai, sau đó Hội đồng bồi thường GPMB xác minh lại. Hộ gia đình nào kê khai sai thì phải tự chịu trách nhiệm vì đó là lỗi của họ”, ông Phạm Văn Sỹ nói.

Nếu việc bồi thường, hỗ trợ tài định cư được thực hiện đúng quy trình như kết luận của ông Nguyễn Đức Đuyện thì liệu có thể xảy ra việc hơn 500 cây lấy gỗ của gia đình bà Hồng bị “bốc hơi” và ông Phạm Văn Sỹ có phải sửa sai bằng cách ký quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ bổ sung?

Cho rằng, UBND TP Điện Biên Phủ chưa giải quyết thấu tình, đạt lý, chưa đảm bảo quyền lợi của người dân, bà Phạm Thị Bích Hồng đã phải gửi đơn “cầu cứu” tới Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên với mong muốn UBND tỉnh sớm vào cuộc để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho gia đình bà, đồng thời xử lý nghiêm những đơn vị, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình thực hiện dự án.

Quốc Doanh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.