Từ chuyện phần mềm theo dõi, “soi” việc quản lý thiết bị “thám tử”

(PL&XH) - Câu chuyện về hơn 14.000 tài khoản, tương đương với từng đó chiếc điện thoại smartphone bị cài đặt phần mềm theo dõi đang gây nóng dư luận trong những ngày qua.

Nhưng đáng lo không kém là sự tràn lan của các thiết bị “thám tử” nghe trộm, quay lén trái phép.

Mua thiết bị “thám tử” không khó

Những thiết bị nghe trộm, quay lén đã xuất hiện tràn lan trên thị trường, công khai ở một số cửa hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử (SGDTMĐT) và vài website bán hàng. Chỉ cần một cú click chuột để tìm kiếm là chúng ta có thể thấy hiện ra hàng nghìn điểm bán thiết bị nghe trộm, quay lén. Có rất nhiều loại mặt hàng trên các trang web này, từ camera bút đến cúc áo, hay móc chìa khóa quay phim. Nhìn chung, chúng được bày bán khá công khai và ngang nhiên mà chưa hề bị các cơ quan chức năng “sờ gáy”.Về giá cả, thiết bị quay phim có giá dao động từ 400.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy theo từng mặt hàng và độ sắc nét của hình ảnh.

Theo anh Mạnh Tâm, chủ một website bán thiết bị nghe trộm, mặt hàng phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc nên khá phong phú về chủng loại cũng như kiểu dáng của sản phẩm. Khách hàng giao dịch với anh chủ yếu thông qua mạng internet, hàng hóa sẽ được giao đến tận nơi hoặc khách hàng có thể hẹn giờ qua cửa hàng để lấy sản phẩm. “Chúng tôi bảo hành sản phẩm trong 6 tháng và có thể đổi cho khách hàng trong trường hợp sản phẩm bị lỗi, hỏng do nhà sản xuất. Chúng tôi cũng có phụ kiện để sửa chữa cũng như thay thế nếu như khách hàng có nhu cầu”, anh Tâm cho biết thêm.

Thực tế, đối tượng mua thiết bị dạng này ngày càng nhiều và đang dần được trẻ hóa. Nhiều bạn trẻ mua thiết bị với mục đích chơi, hoặc phục vụ cho những trò nghịch ngợm tai quái. Một số người lại mua vì mục đích tư lợi, theo dõi và “khống chế” khách hàng. Một số khác lại vì muốn “nổi tiếng” nhờ quay lại những clip độc, gây sốc với cư dân mạng.

Mỗi người một mục đích khác nhau nhưng nhìn chung đều liên quan đến quyền tự do cũng như bảo mật thông tin, hình ảnh của mỗi người. Câu chuyện về thiết bị quay lén được phát hiện trong nhà vệ sinh nữ trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội đã khiến nhiều người bất bình. Phần lớn là các bạn sinh viên bức xúc về hành động thiếu văn hóa, gây phản cảm. Hay một số thiết bị quay lén “bí mật” khác được bố trí trong nhà nghỉ. Nhiều khuyến cáo, lời cảnh báo được đưa lên các trang mạng, khiến cho những người muốn trốn mình trong không gian riêng ở nhà nghỉ phải giật mình và lo lắng. Những câu chuyện kiểu này không còn là hiếm đối với chúng ta, nhất là khi các mặt hàng nghe trộm, quay lén đó được bày bán một cách công khai. Những hoạt động kinh doanh kiểu như vậy liệu có phù hợp với quy định của pháp luật hay không?


Thiết bị nghe trộm, quay lén được bày bán công khai. Ảnh: Hà Linh


Đã có chế tài nhưng…

Từ trước đến nay, những quy định và chế tài liên quan đến việc xử phạt các vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, như máy nghe trộm, quay lén, đều đã có nhưng mới chỉ mang tính chất chung chung. Hoặc nói cách khác là các cơ quan chức năng chưa vận dụng và áp dụng vào thực tế.

Theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, những hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Trường hợp tái phạm, tiếp tục xâm phạm đến bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, đời tư thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 - 2 năm. Thậm chí, nặng hơn nữa sẽ bị phạt tù từ 3 tháng - 2 năm theo Điều 125 BLHS.

Riêng người kinh doanh, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Theo đó, người kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền lên tới 100 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh mặt hàng thiết bị nghe lén sử dụng sóng GSM.

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Đoàn luật sư TP Hà Nội, phân tích, các thiết bị nghe trộm, quay lén thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Điều này được quy định tại Nghị định 59/2006/NĐ-CP. Việc vận chuyển, tàng trữ cũng như mua bán sẽ bị xử phạt theo Nghị định 185 hoặc có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, theo Điều 155 BLHS. Hành vi này sẽ bị phạt tiền hoặc có thể phạt tù từ 6 tháng - 15 năm, tùy theo mức độ vi phạm.

Những quy định đã có nhưng cho đến nay, các trường hợp mua bán thiết bị này vẫn chưa bị xử lý triệt để. Minh chứng là mặt hàng này vẫn đang được công khai giới thiệu và bày bán trên các SGDTMĐT hay các trang web mua bán. Về phía NTD, họ cảm thấy bất an khi nguy cơ về những thông tin cá nhân, đời tư có thể sẽ bị xâm phạm bất kỳ lúc nào. Họ có thể bị bêu xấu hình ảnh, danh dự, nhân phẩm cũng như uy tín bởi một kẻ lạ mặt nào đó.

Có thể thấy, việc sử dụng các mặt hàng, thiết bị nghe trộm, quay lén người khác đang là hành vi vi phạm đời tư cá nhân của công dân. Nó gây tâm lý hoang mang và xâm phạm nghiêm trọng quyền bí mật về đời tư.

Trao đổi với PV, ông Lê Anh Sơn, GĐ Cty Đại Cát, cho rằng, việc quản lý và kiểm soát lỏng lẻo các thiết bị nghe trộm, quay lén trong thời gian qua mang nhiều tiềm ẩn đối với người dân. Nhất là những thông tin, hình ảnh cá nhân bị một số đối tượng lợi dụng với mục đích tống tiền, bêu xấu nhân phẩm và danh dự... Đó là còn chưa kể đến những thủ đoạn trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các Cty, trong hoạt động đấu thầu hay lĩnh vực tài chính. Tất cả những hoạt động đó sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh kém lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
“Để xảy ra việc bày bán tràn lan các loại thiết bị này, lỗi đầu tiên là do cơ quan quản lý, mà ở đây là lực lượng quản lý thị trường. Họ vẫn chưa làm tròn trách nhiệm trong việc quản lý và kiểm soát thị trường, vẫn để tình trạng hàng cấm hoặc không rõ nguồn gốc được bán tràn lan”, ông Sơn nói thêm.


Hà Linh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.