Những đột phá trong ngành y sau khi triển khai 2 đề án 1816 và BV vệ tinh

Sau 10 năm thực hiện đề án 1816, 5 năm thực hiện đề án bệnh viện (BV) vệ tinh, các BV hạt nhân tuyến Trung ương đã chuyển giao nhiều kỹ thuật cao cho các BV tuyến dưới , giúp giảm thiểu tình trạng quá tải tại các BV Trung ương, giảm chi phí cho bệnh nhân trong khám, chữa bệnh trong khi bệnh nhân vẫn được hưởng chất lượng khám chữa bệnh cao như khi lên BV tuyến Trung ương.

Năm 2008, Đề án 1816 chính thức ra đời với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của BV tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế, giảm tình trạng quá tải cho các BV tuyến trên.

Đến năm 2013, để tiếp tục giảm tải cho tuyến trên và cụ thể hóa việc thực hiện Đề án 1816, Bộ Y tế phê duyệt Đề án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2020 nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các BV vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại BV vệ tinh, không phải lên tuyến trên.

Sau 5 năm thực hiện Đề án 1816 và Đề án BV vệ tinh, hàng loạt kỹ thuật cao của BV Việt Đức đã được chuyển giao cho các cơ sở y tế tuyến dưới. BV Việt Đức đã cử cán bộ về tuyến dưới tăng cường đào tạo cán bộ y tế tại các BV vệ tinh.

Cùng với sự đầu tư của địa phương về trang thiết bị cho y tế tuyến dưới nên hiện nay, các BV vệ tinh của BV Việt Đức đã được chuyển giao thành công nhiều kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh.

Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, BV Việt Đức đã thực hiện chuyển giao được trên 500 lượt kỹ thuật cho hơn 100 BV; tổ chức nhiều khóa đào tạo cho hơn 3.000 lượt cán bộ cho tuyến dưới và 500 đoàn công tác của BV Việt Đức đã về tuyến dưới công tác, cầm tay chỉ việc cho cán bộ tuyến dưới.

Kết quả, nhiều địa phương đã làm chủ các kỹ thuật cao, góp phần thực hiện hiệu quả việc giảm tại tại BV tuyến Trung ương, đồng thời các bệnh nhân vẫn được hưởng chất lượng khám chữa bệnh cao như khi lên BV tuyến Trung ương.

Minh chứng là trước đây, các bệnh nhân bị chấn thương hay phải tán sỏi ngược dòng đều phải về các BV lớn tại Hà Nội điều trị, trong đó có BV Việt Đức thì hiện nay, số bệnh nhân về Việt Đức đã giảm mạnh, chỉ còn từ 1-2%.

Nhiều BV tuyến dưới đã xử lý được những ca bệnh khó như BVĐK Phú Thọ đã làm chủ được kỹ thuật ghép thận, mổ u não. 80% BV vệ tinh của BV Việt Đức đều đã thực hiện được kỹ thuật thay chỏm xương và mổ nội soi.

Ngay cả BV tuyến huyện như BV huyện Sốp Cộp (Sơn La) cũng đã thực hiện thành công mổ nội soi, điều trị được cho rất nhiều bệnh nhân của huyện Sốp Cộp cũng như các huyện lân cận, nước bạn Lào.

Tình đến cuối năm 2017, ứng dụng công nghệ thông tin Telemedicine trong đào tạo các BV vệ tinh của BV Việt Đức đã được triển khai tại 18 điểm kết nối giúp cho các BV tuyến dưới có cơ hội học tập, cập nhật và nâng cao kịp thời.

nhung dot pha trong nganh y sau khi trien khai 2 de an 1816 va bv ve tinh
BVĐK Ninh Bình được đánh giá là điểm sáng của đề án BV vệ tinh. (Ảnh tư liệu)

Một trong những điểm sáng trong đề án BV vệ tinh là BVĐK Ninh Bình. Thực hiện Đề án BV vệ tinh, 5 năm qua, BVĐK Ninh Bình đã được BV Việt Đức chuyển giao nhiều kỹ thuật như: Phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi; điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc; kỹ thuật cầm máu trong xuất huyết dạ dày; kỹ thuật mổ máu tụ trong não; điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân sau mổ chấn thương – sọ não; phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi; kỹ thuật gây mê hồi sức trong mổ bệnh nhân đa chấn thương; tán sỏi niệu quản qua nội soi ngược dòng…

Không chỉ là BV vệ tinh của BV Việt Đức, BVĐK Ninh Bình còn là BV vệ tinh của các BV: K, Bạch Mai, Viện Tim mạch quốc gia. Đến nay, 2 BV hạt nhân này đã chuyển giao các kỹ thuật chuyên ngành như ung bướu, tim mạch,...

Chỉ tính riêng năm 2017, BVĐK Ninh Bình đã phát triển được 14 kỹ thuật mới, trong đó có 9 kỹ thuật lâm sàng và 5 kỹ thuật cận lâm sàng.

Nhờ đó, cán bộ y tế của BVĐK Ninh Bình được đào tạo bài bản, nâng cao năng lực chuyên môn, làm chủ kỹ thuật được chuyển giao.

Hiện nay, BVĐK Ninh Bình đã thực hiện được những kỹ thuật khó như mổ u não; cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn, tạm thời; phẫu thuật nội soi tiêu hóa, nội soi tiết niệu; can thiệp các loại: mạch vành, mạch tạng, mạch chi; phẫu thuật thay khớp háng; các phẫu thuật cột sống;...

Tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện chuyên ngành ngoại – chấn thương hay tai biến, biến chứng giảm mạnh. Uy tín của BVĐK Ninh Bình đối với nhân dân cũng tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, năm 2017, BV Việt Đức đã bàn giao và nghiệm thu trang thiết bị Telemedicine cho BVĐK Ninh Bình.

Theo đó, hàng tuần BVĐK Ninh Bình tham gia định kỳ các buổi hội chẩn trực tuyến với BV Việt Đức và các BV vệ tinh trong cùng hệ thống về các chuyên ngành như chấn thương, thần kinh sọ não và các kỹ thuật của điều dưỡng,...giúp nhiều ca bệnh nặng được hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành để có hướng xử trí kịp thời, đảm bảo an toàn cho người bệnh.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao những kết quả của các BV tham gia 2 đề án 1816 và BV vệ tinh.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh bản thân BV hạt nhân và BV vệ tinh đều phải nỗ lực hơn nữa; việc chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới cũng phải chuyên sâu, tránh tình trạng nửa vời khiến tuyến trên vẫn quá tải mà tuyến dưới cũng không thay đổi đột phá được; đồng thời việc chuyển giao phải phối hợp với đào tạo, cầm tay chỉ việc để tạo nên tính hiệu quả, bền vững cho các BV tuyến dưới.

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.