Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Kết quả chỉ mang tính biểu tượng

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Lý Nam tại viện nghiên cứu chính sách công Pangoal ở Bắc Kinh cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Ông nhấn mạnh, “hiện vẫn quá sớm để gọi đây là bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên”.

Thành công bước đầu…

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12-6 tại Singapore đã chính thức kết thúc. Hai nhà lãnh đạo đã ký kết một thỏa thuận kết thúc sự kiện lịch sử tại Singapore, với việc Tổng thống Mỹ hứa hẹn rằng tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ bắt đầu “rất sớm” và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố rằng “thế giới sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn”.

Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt lần này diễn ra sau khi hai nước đối thủ được trang bị vũ khí hạt nhân dường như bị đẩy tới bờ vực xung đột hồi cuối năm 2017, khi hai bên đưa ra những lời lẽ xúc phạm lẫn nhau và ông Kim Jong-un tiến hành các vụ thử hạt nhân cũng như là tên lửa.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của hai nước và được thế giới cẩn trọng dõi theo. Trước cuộc gặp, Tổng thống Trump hào hứng nói: “Chúng tôi sẽ có một cuộc thảo luận tuyệt vời và tôi nghĩ là, một thành công vang dội. Đó sẽ là thành công rất rất lớn. Đó là vinh dự của tôi. Và chúng tôi sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời. Tôi tin chắc như vậy.”

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên tỏ ra kiềm chế hơn. Ông chia sẻ với một nụ cười: “Quả là không dễ dàng gì tới được đây hôm nay… Những định kiến và thói quen cũ đã cản trở rất nhiều. Nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả và hôm nay chúng tôi có mặt ở đây”.

Tổng thống Trump cho biết ông đã tạo dựng được mối quan hệ "gắn kết rất đặc biệt" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông đánh giá nhà lãnh đạo Triều Tiên là một nhà đàm phán "thông minh và tài năng," đồng thời khẳng định “chúng tôi rất tự hào về những gì đã diễn ra hôm nay. Chúng tôi đều muốn hành động, chúng tôi sẽ cùng tiến hành điều gì đó và chúng tôi đã phát triển một mối quan hệ rất đặc biệt. Người dân sẽ cảm thấy rất ấn tượng, họ sẽ cảm thấy rất hạnh phúc và chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề lớn và nguy hiểm của thế giới”.

Phát biểu với ông Kim Jong-un, Tổng thống Trump nói: “Mọi thứ diễn ra tốt đẹp hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Điều này sẽ dẫn tới nhiều kết quả hơn nữa. Thật là niềm vinh dự khi làm việc với ông, đây quả thật là niềm vinh dự lớn”.

Sau lễ ký tuyên bố chung, đứng cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ gặp gỡ một lần nữa. Chúng tôi sẽ gặp gỡ nhiều lần nữa”. Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết làm việc hướng tới việc hoàn tất phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Đồng thời, Washington cam kết cung cấp các đảm bảo an ninh cho cựu thù Triều Tiên.

Sự kiện tại Singapore diễn ra qua các khâu như hội đàm riêng rẽ, hội đàm mở rộng, bữa trưa làm việc, ký kết một thỏa thuận được coi là "rất quan trọng và toàn diện" và đưa ra những lời mời thăm viếng lẫn nhau. Có thể nói, cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều bước đầu đã thành công.

ket qua chi mang tinh bieu tuong
Tổng thống Trump (phải) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp tại Singapore. Ảnh tư liệu

… chứ chưa mang lại kết quả thực sự

Tuy nhiên, tuyên bố chung được ký kết sau hội nghị lịch sử tại Singapore lại không đưa ra nhiều chi tiết về cách thức đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố có đoạn: “Tổng thống Trump cam kết cung cấp các đảm bảo an ninh cho Triều Tiên và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tái khẳng định cam kết kiên định và không thay đổi để hoàn tất việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”.

Giới phân tích chính trị cho rằng hội nghị lần này chỉ mang lại các kết quả mang tính biểu tượng và không có kết quả thực sự. Ông Anthony Ruggiero, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Quỹ vì quốc phòng của các nền dân chủ ở Washington, nhận định: “Hiện vẫn chưa rõ liệu các cuộc đàm phán sau đó sẽ dẫn tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hay không. Kết quả lần này giống như việc nhắc lại những gì trong các cuộc đàm phán hơn 10 năm trước và không phải bước đi lớn tiếp theo”.

Xem xét kỹ bản tuyên bố chung sẽ thấy 2 nhà lãnh đạo không nhắc tới yêu cầu của Mỹ về việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” - thuật ngữ để miêu tả việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và cam kết tạo điều kiện cho việc thanh sát. Nhận định về vấn đề này, chuyên gia Melissa Hanham thuộc Trung tâm Nghiên cứu chống phổ biến hạt nhân có trụ sở tại Mỹ viết trên Twitter rằng, Triều Tiên “đã hứa hẹn việc này rất nhiều lần” và hai bên “vẫn chưa nhất trí về khái niệm “phi hạt nhân hóa” có nghĩa là gì”.

Bản tuyên bố chung cũng không nhắc tới các lệnh trừng phạt quốc tế đã làm tê liệt nền kinh tế Triều Tiên bởi việc nước này theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, cũng như không nhắc tới việc ký kết một hiệp định hòa bình. Mỹ và Triều Tiên là hai bên đối địch trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 và về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc xung đột khiến hàng triệu người thiệt mạng vào thời điểm đó chỉ kết thúc bằng một hiệp định ngừng bắn. Dù vậy, tuyên bố chung đã khẳng định rằng hai bên đã nhất trí tìm lại hài cốt các tù nhân chiến tranh và những người mất tích trong chiến tranh và đưa các hài cốt về nước.

Còn nhớ, nhiều thỏa thuận đạt được với Triều Tiên trước đây đã bị sụp đổ. Và, vấn đề gây tranh cãi trên bàn đàm phán là phi hạt nhân hóa - một cụm từ có ý nghĩa khác nhau với 2 bên. Hiện vẫn chưa rõ liệu Triều Tiên có sẵn sàng từ bỏ hạt nhân hay không, bởi đây là vũ khí mà Bình Nhưỡng coi là vật đảm bảo tối thượng cho sự tồn tại của quốc gia Đông Bắc Á.

Chuyên gia nghiên cứu cấp cao Lý Nam tại viện nghiên cứu chính sách công Pangoal ở Bắc Kinh cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim chỉ mang ý nghĩa biểu tượng. Ông nhấn mạnh, “hiện vẫn quá sớm để gọi đây là bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên”.

Hồng Phúc

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.