Các cuộc thi nhan sắc:

Các cuộc thi nhan sắc: Không chỉ là một chương trình truyền hình thực tế

Những tranh cãi gần đây xung quanh việc thí sinh Mai Ngô viết đơn xin rút lui khỏi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017 khiến nhiều người lo ngại chương trình truyền hình thực tế nếu tổ chức không khéo léo sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của một cuộc thi hoa hậu.

Đúng một tuần tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017, Mai Ngô đột ngột xin rút lui mặc dù cô có tên trong danh sách 70 thí sinh được đi tiếp vào vòng trong. Cô viết một lá thư khá dài gửi Bộ VH-TT&DL để giải thích lý do mình dừng thi.

Trong thư, Mai Ngô chia sẻ, cô xin rút lui vì cảm thấy bị tổn hại về hình ảnh, danh dự, sức khỏe và tinh thần khi tham gia cuộc thi nhan sắc này. Cụ thể, trong quá trình ghi hình chương trình truyền hình thực tế “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam”, cô gặp nhiều vấn đề bức xúc.

“Tôi thừa nhận mình có những lỗi sai phạm nhỏ do bất đắc dĩ trong công việc, ngành nghề tôi đang làm nên khó tránh khỏi ảnh hưởng tới lịch làm việc, ghi hình đã được cam kết và lên kế hoạch từ trước. Tôi không đáp ứng đủ vài giờ ghi hình của chương trình. Ý thức được điểm bất lợi của mình nên tôi luôn chủ động sắp xếp công việc, xin phép khi cần vắng mặt để không làm ảnh hưởng tới cuộc thi”, Mai Ngô giải thích.

cac cuoc thi nhan sac khong chi la mot chuong trinh truyen hinh thuc te
Cuộc thi hoa hậu phải thật sự khéo léo nếu muốn áp dụng cách thức tổ chức giống như chương trình truyền hình thực tế. ẢNH: BTC Hoa hậu Hoàn vũ 2017

Tuy nhiên, Mai Ngô cảm thấy khó hiểu khi sau phần thi phụ “Thử thách diện váy dạ hội, catwalk trên bậc thang”, cô được thông báo đã bị kỷ luật, cấm tham gia thử thách tiếp theo là “Kỹ năng bên bàn tiệc”. Trước đó, Mai Ngô đã xin phép về trước, sau khi hoàn thành xong phần thi “Thử thách catwalk trên bậc thang” và được BTC đồng ý. Cô viết đơn tường trình mong được BTC giải đáp về cách kỷ luật không rõ ràng này nhưng không nhận được câu trả lời.

Ngoài ra, Mai Ngô còn bức xúc vì BTC tự đưa ra những cam kết, bắt thí sinh phải ký mà không giải thích hay hướng dẫn thỏa đáng. Lịch trình cuộc thi cũng không được thông báo rõ ràng, tiến độ ghi hình chậm, thí sinh không được ăn uống đúng giờ.

Mai Ngô còn cho rằng BTC đã quá sa đà vào việc tạo kịch tính, dàn dựng chương trình, đẩy thí sinh vào những tình huống khó hiểu, gây tổn hại về hình ảnh, danh dự và tinh thần của thí sinh.

Về trường hợp của Mai Ngô, đại diện BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 đã xác nhận Mai Ngô không còn trong danh sách 63 thí sinh dự thi vòng bán kết. Lý do cô dừng bước là do tự xin rút lui chứ không phải bị loại.

“Chúng tôi tôn trọng quyết định của các thí sinh. Cuộc thi năm nay có thêm phần ghi hình chương trình “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam” nên lịch trình dày đặc và vất vả hơn mùa thi trước rất nhiều. Thí sinh dự thi có nhiều bạn đã thành danh, công việc khá bận rộn không phải ai cũng đáp ứng được quy định và lịch trình làm việc của cuộc thi.

Bên cạnh đó, một cuộc thi lớn với những tiêu chí khắt khe như Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam, chúng tôi đòi hỏi không chỉ thí sinh mà cả ban giám khảo, ban cố vấn, ê-kíp thực hiện chương trình phải tuân thủ chặt chẽ quy định, kỷ luật ghi hình. BTC luôn tôn trọng và tạo điều kiện cho thí sinh trước những quyết định riêng của họ trong hành trình chinh phục chiếc vương miện cao quý”. đại diện BTC chia sẻ.

Trước đó, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 cũng áp dụng phần thi tương tự chương trình truyền hình thực tế với tên gọi “Người đẹp Nhân ái” và nhận được khá nhiều đánh giá tích cực từ công chúng. Ở các dự án nhân ái, công chúng có thể nhìn nhận khách quan về các dự án, hiệu quả, nỗ lực, cố gắng của thí sinh. Từ đó, khán giả sẽ có cái nhìn chân thật về cuộc thi.

Tuy nhiên, đến chương trình “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017” trong khuôn khổ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 lại xảy ra khá nhiều tranh cãi đáng tiếc. Từ việc thí sinh không biết cộng đồng ASEAN có bao nhiêu nước, thí sinh đi thi hoa hậu để nổi tiếng và kiếm tiền, thí sinh có thái độ không tôn trọng giám khảo khi điền bảng thông tin cá nhân của mình yêu cầu giám khảo google search, cho đến những câu chuyện đời tư của thí sinh cũng được khai thác.

Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu các cuộc thi hoa hậu có nên áp dụng cách thức tổ chức chương trình truyền hình thực tế hay không? Có thể thấy, việc áp dụng này có cả mặt lợi và hại. Lợi là nhờ có chương trình kiểu này, cuộc thi sẽ được biết đến nhiều hơn, công chúng cũng có sự nhìn nhận ít nhiều về thí sinh.

Tuy nhiên, mặt hại, cụ thể trong “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017” chính là việc nhà sản xuất đang áp dụng chiêu trò gây tranh cãi nhằm tạo sức hút, vốn rất hay được sử dụng trong các chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Với trường hợp của người mẫu, thí sinh Mai Ngô.

Cho dù ai sai, ai đúng như thế nào thì chỉ những người trong cuộc là rõ nhất. Nhưng, việc Mai Ngô lên tiếng tố BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 đi sa đà vào việc dàn dựng, làm ảnh hưởng đến các hình ảnh của thí sinh đã trở thành dấu ấn không đẹp trong cuộc thi.

Điều này khiến khán giả không hài lòng khi đặt ra nhiều nghi ngại. Đó là việc một cuộc thi hoa hậu vốn được nhìn nhận có nhiều thông điệp đẹp đẽ, nhân văn bỗng có nhiều lùm xùm không đáng có.

Nhiều khán giả xem được vài tập đầu của “Tôi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017” đã có nhận xét chương trình này đang biến tướng khi đi theo vết xe đổ của nhiều chương trình truyền hình thực tế, đặc biệt là việc lợi dụng các sự việc, nhân tố gây tranh cãi. Từ đó dẫn đến việc khán giả sẽ mất niềm tin vào một cuộc thi nhan sắc tầm cỡ quốc gia.

Vậy nên, các cuộc thi nhan sắc nếu có áp dụng cách thức tổ chức dưới dạng chương tình truyền hình thực tế thì phải đặc biệt khéo léo. Tốt nhất là tránh đưa các tình tiết dễ gây tranh cãi với mục đích câu kéo khán giả.

Nếu thí sinh sai về hành động, thiếu xót về suy nghĩ, thiếu hiểu biết về kiến thức,... thì BGK có thể đưa ra những lời khuyên chân thành, bổ ích cho thí sinh. Điều này vừa giúp thí sinh nể phục, vừa không khiến họ “mất mặt” trước bàn dân thiên hạ, nhất là với những người có mong muốn chinh phục các cuộc thi nhan sắc sau này. Đây mới là cách ứng xử nhân văn, có ý nghĩa và nhận được sự đồng thuận từ công chúng.

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.