Mua bán thông tin hành khách đi tàu bay sẽ bị xử lý hình sự

Cục Hàng không Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan công an để phối hợp xử lý hành chính, hình sự những đối tượng có hành vi mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép thông tin hành khách đi tàu bay.

Trong thông cáo phát ra chiều 5/10 về việc bảo mật thông tin của hành khách đi máy bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh việc lộ thông tin cá nhân của hành khách đi lại bằng đường hàng không.

mua ban thong tin hanh khach di tau bay se bi xu ly hinh su Ảnh minh họa

Thực tế, hiện tượng lộ thông tin hành khách đi tàu bay bắt đầu xuất hiện từ năm 2013 và tiếp tục diễn biến ở các năm 2014, 2015 khi các hành khách bay đến các Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh và Nội Bài nhận được các tin nhắn chào mời sử dụng dịch vụ taxi.

Các hãng hàng không đã tiến hành rà soát hệ thống đặt giữ chỗ của mình để xác minh nguyên nhân. Kết quả cho thấy, việc lộ thông tin là do một số nhân viên của các hãng hàng không, các đại lý bán vé máy bay cung cấp thông tin hành khách cho các hãng taxi, các khách sạn chào mời hành khách sử dụng dịch vụ qua số điện thoại liên lạc. Các hãng hàng không đã đề nghị phối hợp từ cơ quan công an để điều tra, xác minh. Bước đầu đã phát hiện, xử lý bằng hình thức cho thôi việc một số nhân viên, cắt hợp đồng đại lý bán vé máy bay về hành vi vi phạm liên quan.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc lộ thông tin hành khách vẫn xảy ra, các hãng taxi có được thông tin hành trình và số điện thoại của hành khách để tiếp thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ đi, đến các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh là địa phương nơi các cảng hàng không cách xa trung tâm thành phố. Việc này vi phạm các quy định về bảo mật thông tin cá nhân của hành khách, gây phiền nhiễu cho hành khách cũng như ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách trong lĩnh vực hàng không.

Trước tình hình trên, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các hãng hàng không rà soát các quy trình, quy định nhập, lưu trữ, bảo mật thông tin cá nhân của hành khách, các đầu mối truy cập được thông tin cá nhân của hành khách và công tác giám sát bảo mật thông tin cá nhân của hành khách và báo cáo kết quả rà soát về Cục Hàng không Việt Nam.

Cục Hàng không Việt Nam đã kế hoạch thanh tra công tác bảo mật thông tin hành khách đi tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam trong tháng 10 và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có ý kiến với cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cấp an toàn thông tin mạng cho các hãng hàng không Việt Nam đối với hệ thống đặt chỗ, bán vé để làm cơ sở triển khai các biện pháp phù hợp với pháp luật.

Trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ phối hợp với cơ quan công an để phối hợp xử lý hành chính, hình sự những đối tượng có hành vi mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép thông tin hành khách đi tàu bay.

Để phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm, hỗ trợ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, các hãng hàng không trong vấn đề xử lý vi phạm, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị hành khách đi tàu bay hợp tác, thông báo ngay cho Cục Hàng không Việt Nam, Cảng vụ hàng không khu vực, các cảng hàng không, sân bay thông qua đường dây nóng những thông tin như số điện thoại gọi đến, vị trí, địa điểm, hãng taxi trong trường hợp nhận được tiếp thị dịch vụ liên quan đến hành trình đi tàu bay.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, thông tin hành khách trong hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không bao gồm các nội dung như: Tên hành khách, giới tính, lịch bay (hành trình, số hiệu chuyến bay, giờ cất cánh, hạ cánh dự kiến), số điện thoại liên lạc của hành khách. Do tính chất đặc thù của khai thác vận tải hàng không, các hãng hàng không, các đại lý bán vé cần số điện thoại của hành khách để liên lạc trong trường hợp có sự thay đổi về lịch bay, hoặc cần sự hợp tác của hành khách trong quá trình thực hiện chuyến bay (thực hiện yêu cầu về an ninh hàng không trước chuyến bay, thông tin về hành lý vận chuyển chậm, thất lạc …) giúp hành khách chủ động, thuận lợi trong việc đi lại của mình.

PV

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.