Tổng cục Hải quan chấn chỉnh công tác quản lý tang vật

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố; Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu nghiên cứu, tổ chức thực hiện đúng quy định về quản lý tang vật, phương tiện vi phạm.

Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trên nghiên cứu, tổ chức thực hiện đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng lưu ý một số nội dung trong việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Cụ thể, người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Trong trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo hoặc hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thủ trưởng cơ quan Hải quan nơi có tang vật, phương tiện bị giam giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính chịu trách nhiệm phân công cán bộ làm công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phù hợp với điều kiện nơi tạm giữ. Trường hợp có kho tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm thì bố trí cán bộ chuyên trách để thực hiện công tác này.

Người được giao quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện theo đúng quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện; thường xuyên kiểm tra nơi tạm giữ, phát hiện kịp thời tang vật, phương tiện bị mất, hư hỏng hoặc nơi tạm giữ không được bảo đảm an toàn để có biện pháp khắc phục kịp thời. Lực lượng Hải quan thuộc Đội Kiểm so​át Hải quan, Cục Hải quan Quảng Trị kiểm tra tang vật bắt giữ trong quý II/2017

Kho tang vật phải bảo đảm an toàn về phòng, chống cháy, nổ, đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường và tuân thủ các điều kiện về nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp không đủ điều kiện bố trí kho tạm giữ tang vật, phương tiện riêng hoặc quy mô xây dựng nơi tạm giữ không đủ để quản lý, bảo quản hết tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu thì có thể thuê nơi tạm giữ. Trường hợp tang vật có số lượng ít hoặc nhỏ, gọn thì có thể giao cho cán bộ có đủ khả năng và điều kiện quản lý tại trụ sở cơ quan mình.

Việc tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện khi có quyết định của người có thẩm quyền. Khi giao nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải lập biên bản, có chữ ký của bên giao, bên nhận, mỗi bên giữ một bản.

Trước đó, ngày 4/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phạm Minh Hoàng, công chức thuộc Phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan TP. Hà Nội, trong vụ việc đánh tráo, chiếm đoạt 156 kg ngà voi đang lưu giữ trong kho tang vật.

Ngay sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Hải quan rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát kho tang vật, đảm bảo chặt chẽ, an toàn và thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, luân chuyển cán bộ theo đúng quy định.

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.