Vụ tranh chấp nhà số 120 Cầu Giấy - Hà Nội:

(PL&XH)-Đó là lời nói của bà Thu, bị đơn trong vụ tranh chấp thừa kế tài sản là căn nhà số 120 phố Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tiếp xúc với PV vào chiều tối 28-9, bà Thu nói: “Một số thành viên trong đoàn thi hành án lúc thì nịnh tôi, lúc thì dọa tôi để ép tôi phải giao nhà. Do lo họ bị đi tù và sợ bị phạt nên tôi giao nhà cho họ, khi vừa bước ra khỏi nhà thì tôi thấy mình như bị lừa và làm đơn kiến nghị…”.

Từ bản di chúc bị hủy

Theo hồ sơ vụ việc, cụ Lê Gia Minh, trú tại Dịch Vọng, Cầu Giấy có 2 vợ là cụ Lê Thị Bằng và Nguyễn Thị Lan. Cụ Minh và cụ Bằng có 2 người con là ông Lê Văn Vinh và Lê Thị Xuyên. Cụ Minh và cụ Lan có 5 người con là Lê Thị Thu, Trần Quốc Toản, Lê Thị Hồng Thúy, Lê Thị Thiên Hương, Lê Quốc Tuấn. Cụ Lan còn có con riêng là Hoàng Thị Sâm. Cụ Bằng mất năm 1956. Tài sản của chung của cụ Minh và cụ Lan gồm có: 55m2 đất tại số 64 phố Trần Đăng Ninh, 15m2 đất tại số 120 phố Cầu Giấy và một số tiền…

Ngày 24-8-1997, cụ Minh để lại di chúc chia tài sản cho các con. Theo di chúc, khi bán căn nhà số 64 Trần Đăng Ninh sẽ chia tài sản cho tất cả các con, trong đó ông Toản được chia căn nhà số 120 phố Cầu Giấy và 10 cây vàng, bà Thu được chia 18 cây vàng… Sau đó cụ Minh qua đời.

Không lâu sau đó, theo di chúc của cụ Minh, cụ Lan bán căn nhà ở phố Trần Đăng Ninh được 143 cây vàng. Ngày 8-10-1998, cụ Lan viết di chúc với nội dung: bà Lê Thị Thu được 18 cây vàng, ông Toản được căn nhà số 120 phố Cầu Giấy và 10 cây vàng… Ông Toản sinh sống tại đây từ năm 2006 mà do bà Thu ở và quản lý.

nhà 120Căn nhà tranh chấp

Ngày 18-4-2005, vì mắt kém, tay run nên cụ Lan nhờ cháu ngoại là chị Nguyệt Anh viết di chúc mới, hủy di chúc đã lập ngày 8-10-1998, không cho ông Toản căn nhà 120 phố Cầu Giấy vì lý do vợ ông Toản sống không có trách nhiệm với c ụ. Lập xong di chúc, ông Vinh, bà Thu, bà Hương, bà Thúy, bà Sâm đều ký, riêng ông Toản không ký. Cụ Lan trực tiếp ký vào bản di chúc này khi tinh thần hoàn toàn minh mẫn. Tuy nhiên, khi cụ Lan ra phường xin xác nhận thì không được đáp ứng mà chỉ lưu lại bản sao vì lý do “không phải do cụ Lan viết”?!

Cụ Lan mất năm 2005, căn nhà do bà Thu ở và trông coi. Một thời gian sau đó ông Lê Quốc Toản khởi kiện bà Thu, đòi lại căn nhà số 120 phố Cầu Giấy và không nhất trí việc cụ Lan hủy di chúc. Vụ án qua gần 10 lần xét xử của TAND quận Cầu Giấy và TAND TP Hà Nội, mỗi một phiên tòa HĐXX lại đưa ra những nhận định khác nhau nhưng hầu hết đều không chấp nhận yêu cầu đòi nhà của ông Toản và cho rằng căn nhà số 120 phố Cầu Giấy phải được chia theo pháp luật vì cụ Lan đã hủy di chúc trước đó…

Tòa ánDo có kháng cáo nên ngày 6-4-2016, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc “Tranh chấp chia thừa kế tài sản” (TAND quận Cầu Giấy xét xử sơ thẩm từ ngày 22 đến 24-9-2015).

Đến bản án gây bất ngờ

Tại các phiên tòa trước và ngay tại phiên xét xử phúc thẩm này, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn Vinh, bà Lê Thị Thiên Hương, Lê Thị Hồng Thúy, Lê Thị Xuyên, Hoàng Thị Sâm đều khẳng định cụ Lan đã hủy di chúc chia tài sản cho ông Toản và đề nghị HĐXX bác đơn của ông Toản.

Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra, trái ngược với 6 phiên tòa đã diễn ra trước đó, HĐXX cho rằng, văn bản hủy di chúc của cụ Lan ngày 18-4-2005 không có xác nhận của chính quyền địa phương, không đảm bảo theo quy định của pháp luật nên chấp nhận yêu cầu xin chia thừa kế theo di chúc nhà 120 phố Cầu Giấy của ông Lê Quốc Toản đối với bà Lê Thị Thu; buộc bà Thu phải trả cho ông Toản ngôi nhà 3 tầng tại số 120 phố Cầu Giấy…

Ngay sau phiên tòa phúc thẩm, bà Thu làm đơn kháng cáo và sau đó là đơn đề nghị TAND cấp cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm ngày 6-4-2016 của TAND TP Hà Nội nói trên. Đồng thời bà Thu cũng gửi đơn kêu cứu khắp nơi. Ngày 17-5-2017, TAND cấp cao tại Hà Nội đã có công văn gửi Chi cục THADS quận Cầu Giấy yêu cầu hoãn thi hành bản án trên trong thời gian 3 tháng kể ngày ký.

Bà Lê Thị Thu cho biết: “Đến nay tôi chưa nhận được thêm thông tin nào từ TAND cấp cao về việc có kháng nghị bản án ngày 6-4-2016 của TAND TP Hà Nội hay không. Dù chưa có quyết định từ TAND cấp cao nhưng cơ quan THA quận Cầu Giấy liên tục thúc ép, gây áp lực để buộc tôi phải giao nhà. Chị Thủy THA nói nếu tôi không giao nhà chị ấy phải đi tù, khi cưỡng chế tôi phải đóng hàng chục triệu đồng…".

Do lo sợ và không hiểu biết về pháp luật nên tôi đã bàn giao nhà vào chiều 28-9. Lúc đó tôi bị sốc, khi bình tĩnh lại tôi thấy mình đã quyết định giao nhà trong lúc thần kinh không tỉnh táo, bị dồn ép nên tôi quyết định tiếp tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng để đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội ngày 6-4-2016 và hủy Biên bản bàn giao nhà của tôi với Chi cục THA quận Cầu Giấy vào chiều ngày 28-9”.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định: “Theo Điều 565, Bộ luật dân sự, việc cụ Nguyễn Thị Lan do mắt kém, tay run nên nhờ người viết di chúc trước sự làm chứng của ít nhất 2 người để hủy bản di chúc đã viết trước đó là có giá trị pháp luật. Việc TAND TP Hà Nội không công nhận tính pháp lý của bản di chúc này là không có cơ sở”.

Minh Đạo / PL&XH

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.