e magazine
20:54 | 20/10/2021
20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội

20:54 | 20/10/2021

Sau gần 40 năm sống như "người vô hình" khi không có bất kì giấy tờ tuỳ thân nào, ngày 20-10, chị Lê Thu Huyền, trú tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, rưng rưng khi được cầm trên tay tấm Giấy khai sinh...

ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội

Sau gần 40 năm sinh sống như "người vô hình" khi không có bất kì giấy tờ tuỳ thân nào, ngày 20-10-2021, chị Lê Thu Huyền rưng rưng khi được cầm trên tay tấm Giấy khai sinh

Gần 40 năm sống như người vô hình

Theo chị Lê Thu Huyền, từ thời điểm sinh ra cho đến hiện tại, chị không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, không Giấy khai sinh, không hộ khẩu, không Chứng minh nhân dân, không có công việc chính thống...

Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội

Chị Lê Thu Huyền sinh ngày 26-4-1984, tại nhà hộ sinh Hàng Bún. Nhưng khi chị vừa chào đời, mẹ chị bỏ đi và để lại chị cho ông bà nội cùng người bác ruột chăm sóc. Thời điểm đó, bố chị Huyền là ông Lê Huy Sơn, SN 1961, đang chấp hành án phạt tù.

"Quá trình sinh sống cùng ông bà và bác ruột, tôi được đi học tại Trường tiểu học Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm. Đến năm 10 tuổi thì tôi không được đi học nữa" - chị Huyền cho biết.

Ông Lê Huy Sơn kể lại với giọng buồn buồn, ông có quan hệ với người phụ nữ (mẹ chị Huyền) nhưng không đăng ký kết hôn.

Sau khi trả án trở về nhà, ông đã mỏi mòn đi tìm kiếm mẹ cho chị Huyền nhưng hơn chục năm là một quãng thời gian quá dài, mọi thứ thay đổi nhanh, khiến công việc tìm kiếm của ông không có kết quả. Trong trí nhớ của ông Sơn lúc này cũng không còn nhiều hình ảnh về người "vợ" và địa chỉ gia đình bà ấy.

"Khi tôi phải đi thụ án thì con gái tôi còn trong bụng mẹ, sinh nó ra thì bà ấy mang đến "trả lại" cho bố mẹ tôi rồi bỏ đi. Sau đó khi thụ án xong về thì không thể tìm được bà ấy (mẹ chị Huyền - PV), vì khu vực nhà bà đã bị giải tỏa, hiện tại không thể xác định được bà ấy còn hay đã mất" - ông Sơn chia sẻ.

Đến lúc trưởng thành, nhận thấy cuộc sống không giấy tờ tùy thân gặp quá nhiều khó khăn, chị Huyền đã tìm hiểu thủ tục để làm các giấy tờ liên quan, tuy nhiên không thể thực hiện do không có đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Mặc dù đã lấy chồng và có 3 người con nhưng vì không có giấy tờ tuỳ thân nên chị Huyền cũng không có giấy đăng ký kết hôn. Các con chị đều được khai sinh, nhưng chỉ có họ tên của bố.

Cách đây 1 năm, chồng chị Huyền không may mất đi sau một cơn bạo bệnh, hiện tại cuộc sống của chị vô cùng khó khăn khi không thể xin được công việc chính thức, đi khám bệnh cũng không có bảo hiểm.

Chị Huyền cho biết thêm, trước đây chồng chị làm nghề chạy xe ôm, còn chị chỉ làm những việc phục vụ lặt vặt tại các hàng quán ăn đêm trên phố cổ, thu nhập của 2 vợ chồng chỉ đủ để nuôi 3 người con ăn học. Nhưng từ ngày chồng chị mất hồi cuối năm 2020, thời điểm đó 2 đứa con gái lớn đang học lớp 11 và lớp 10 đều phải nghỉ học giữa chừng, vì một mình chị không đủ khả năng để gánh vác.

"Vì không có Giấy khai sinh nên tôi không xin được việc làm chính thức, chỉ có thể làm các công việc dọn dẹp, rửa bát tại các hàng quán vỉa hè, chủ yếu vào khung giờ đêm khuya với mức tiền công rất thấp. Thực sự gần 40 năm qua tôi chỉ tồn tại chứ không sống, tôi giống như một người vô hình", lời chị Huyền.

Hành Trình 10 năm đi tìm "tên" cho mình

Cuộc sống quá khó khăn, vất vả do thiếu những giấy tờ tuỳ thân, chị Huyền cùng với bố đã nỗ lực trong suốt 10 năm qua để có thể làm giấy khai sinh nhưng không có kết quả khả quan. Hơn 10 năm chị đã tìm đến các cơ quan chức năng với hi vọng được cấp Giấy khai sinh nhưng chỉ nhận được câu trả lời "không đủ điều kiện để giải quyết".

Đến tháng 6-2021, chị Huyền đã tìm đến UBND phường Phúc Tân (nơi chị đang sinh sống) để đăng ký khai sinh. Tại đây, UBND phường Phúc Tân yêu cầu chị Huyền khẳng định một số thông tin và yêu cầu xác minh thêm các nội dung khác ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội, nơi chị từng cư trú.

Chị Huyền tìm đến phường Văn Miếu để xin xác nhận và đã được Công an phường Văn Miếu xác nhận, từ năm 2000-2006 và từ năm 2011-2020 chị Huyền cư trú tại địa bàn phường Văn Miếu cùng chồng.

Tuy nhiên, chừng đó chưa đủ căn cứ để UBND phường Phúc Tân tiến hành đăng ký khai sinh cho người phụ nữ này. Lý do bởi, sau khi thẩm tra, xác minh và đối chiếu các quy định, UBND phường Phúc Tân không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên, không có bản ảnh để xác định bản thân chị Huyền.

"Không có mẹ nên con tôi không làm được giấy khai sinh, không đăng ký kết hôn được, 3 đứa con của Huyền vì thế mà các cháu có mẹ nhưng lại không được thừa nhận theo pháp luật. Tôi nghĩ đến tuổi già, con gái tôi đã lớn thế này, có gia đình riêng mà như người vô hình. Mong muốn được bù đắp lại, tôi đã tìm đủ mọi cách để làm Giấy khai sinh và nhập hộ khẩu cho con nhưng nhiều năm qua không có kết quả" - ông Sơn kể.

Cán bộ Tư pháp phường Phúc Tân cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đơn thư của chị Lê Thu Huyền về việc đề nghị làm Giấy khai sinh. Tuy nhiên, hồ sơ của công dân được chuyển tiếp từ đội ngũ cán bộ khóa trước và từ trước đến nay tài liệu cũng không chứng minh được có công dân tên Lê Thu Huyền cư trú trên địa bàn nên chưa có câu trả lời đơn thư.

Theo lời khuyên của luật sư, lúc này một trong những cơ sở để có thể thực hiện khai sinh cho chị Huyền đó là xét nghiệm ADN huyết thống. Năm 2016, chị có làm xét nghiệm huyết thống ADN với ông Lê Huy Sơn (bố đẻ chị Huyền). Đồng thời tìm lại các thông tin tại nhà hộ sinh Hàng Bún, tuy nhiên do thời gian đã quá lâu nên không còn lưu trữ thông tin gì về việc sinh nở của chị Huyền.

Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội

Sau hơn 10 năm đằng đẵng kiên trì đi tìm lại "tên" cho chính mình, tháng 10-2021, chị Huyền đã nhận được tin vui khi các vấn liên quan đến nơi ở, nhân thân của chị Huyền đã được xác minh xong. Địa phương cũng đã lập hồ sơ làm giấy khai sinh của chị Huyền gửi lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. Về cơ bản hồ sơ của chị Huyền đã đủ điều kiện để có thể cấp Giấy khai sinh.

Trao đổi với PV, anh Quách Văn Nam, công chức Tư pháp – Hộ tịch UBND phường Phúc Tân cho biết, UBND phường Phúc Tân nhận được thông tin của công dân, từ lúc sinh ra đến 37 tuổi chưa được khai sinh.

"UBND phường đã mời chị Huyền lên làm việc, tiến hành xác minh và hướng dẫn chị Huyền hoàn thiện các hồ sơ để đảm bảo quyền lợi cho công dân là được cấp Giấy khai sinh. UBND phường Phúc Tân thường xuyên liên lạc với công dân và xin ý kiến đối với phòng Tư pháp quận và Sở Tư pháp TP Hà Nội để tạo điều kiện trong thời gian sớm nhất cấp giấy khai sinh cho công dân giúp công dân có các giấy tờ cá nhân, thuận lợi hơn trong quá trình sinh sống. Đây cũng là một trong những trường hợp hi hữu ghi nhận được trên địa bàn phường khi gần 40 năm không có Giấy khai sinh" - anh Nam chia sẻ thêm.

Món quà ý nghĩa ngày 20-10: "Tôi đã được sinh ra lần thứ hai"

Có mặt tại nhà của chị Huyền tại nhà số 8, ngõ 77 phố Nguyên Khiết, phường Phúc Tân vào sáng 20-10, PV ghi nhận một khung cảnh khác lạ, vui tươi hơn, một ngày mới đã đến với chị Huyền khi hôm nay chị đã được xét duyệt cấp Giấy khai sinh.

"Tìm cái Huyền hả? Nhà trong này này. Hôm nay Huyền được làm Giấy khai sinh mà ai cũng mừng thay" - hàng xóm của chị Huyền giọng phấn khởi.

Từ sáng sớm, chị Huyền cùng bố đã dậy chuẩn bị mọi việc, cho các cháu đi học rồi mới quay về nhà để tới UBND phường Phúc Tân cho ngày trọng đại - đi làm Giấy khai sinh lần đầu tiên trong đời.

"Từ năm 2011 cho tới nay, tôi đã làm đơn gửi đến nhiều cơ quan chức năng để xin cấp Giấy khai sinh. Tuy nhiên tất cả đều đi vào bế tắc. Hôm nay là một ngày đặc biệt trong cuộc đời tôi. Tôi thực sự rất vui mừng và háo hức, đến mức cả đêm qua không thể ngủ được, chỉ mong sớm đến sáng" - chị Huyền chia sẻ.

Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội

Ông Lê Huy Sơn cho biết: "Đây là khoảnh khắc mà bố con tôi đã chờ đợi từ rất lâu rồi. Thực sự rất xúc động, sau gần 40 năm "sống vô hình", nay con gái tôi đã được cấp giấy tờ chứng nhận là công dân của đất nước Việt Nam. Khi có Giấy khai sinh, con gái sẽ hoàn thiện các giấy tờ tiếp theo để có thể xin việc làm nuôi dạy 3 cháu".

“Đúng ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, tôi được nhận Giấy khai sinh. Đây là món quà thật ý nghĩa và rất to lớn đối với tôi. Đây cũng là món đồ có giá trị nhất trong suốt cuộc đời vì tôi đã mong mỏi rất lâu rồi" - chị Huyền nghẹn ngào tâm sự.

Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội
Ngày 20-10, ngày được khai sinh của "người vô hình" gần 40 năm tại Hà Nội

Việc một người được sinh ra và được cấp giấy khai sinh là điều bình thường với mọi người nhưng người phụ nữ 37 tuổi tuổi mới được công nhận sự có mặt trên đời thực sự là một điều khiến người đọc phải suy nghĩ. Không phải tự nhiên mà luật pháp quy định rất rõ, rằng một con người đến với thế giới này sống đủ 24 giờ và không may mất đi thì phải công nhận họ đã từng tồn tại trên cõi đời bằng việc khai sinh, khai tử cho họ và đây là quyền cơ bản nhất của mọi công dân.

Đã gần 40 năm, chị Huyền sinh sống như một "người vô hình", với sự sâu sát và lắng nghe, các cán bộ phường Phúc Tân đã tạo mọi điều kiện để có thể làm khai sinh cho người phụ nữ 37 tuổi một cách thuận lợi nhất, đặc biệt hơn, hôm nay là 20-10. Đồng thời, UBND Phường Phúc tân cũng hỗ trợ cả việc làm sổ tạm trú, bảo hiểm y tế và các chính sách hỗ trợ cho chị Huyền.

Anh Quách Văn Nam bày tỏ: "Với trường hợp của chị Huyền, chúng tôi đã thường xuyên liên lạc, động viên và hướng dẫn trong quá trình cấp Giấy khai sinh. Chị Huyền hiện cũng đang ở nhà và không có công ăn việc làm. Sau khi cấp được Giấy khai sinh cho chị Huyền, chúng tôi cũng cảm thấy rất phấn khởi. Chị Huyền sẽ được làm Căn cước công dân, hi vọng điều này cũng sẽ đem lại nhiều thay đổi tốt đẹp trong cuộc sống của chị".

Pháp luật & Xã hội đã đồng hành với chị Huyền trong suốt quá trình cùng chị đi tìm lại "tên" cho bản thân mình. Một quá trình kéo dài hơn 10 năm dài đã kết thúc chỉ sau vài tháng khi có sự vào cuộc của cơ quan tư pháp, cơ quan báo chí.

Đây cũng là một điểm sáng của Tư pháp Thủ đô, thể hiện một nền hành chính hướng về người dân, phục vụ cho dân và vì dân.

"Sau hơn 10 năm chờ đợi, cuối cùng tôi cũng đã được công nhận sự tồn tại của mình. Thật sự, tôi có cảm giác như mình đã được sinh ra lần thứ 2".

Lê Thu Huyền

Bài, ảnh: Khánh Huy